Theo kết quả khảo sát được công bố trên tạp chí y học toàn cầu The Lancet ngày 26/11, việc chính phủ Nam Phi trợ cấp cho trẻ em nghèo góp phần không nhỏ trong giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV của các bé gái từ những "sugar daddy" (tạm dịch: cha nuôi).
Trong cuộc khảo sát quy mô lớn từ năm 2009-2012 tại các tỉnh Mpumalanga và Western Cape, các nhà khoa học của Anh và Nam Phi đã tiến hành phỏng vấn 3.500 em gái vị thành niên.
Kết quả cho thấy các em gái trong các gia đình được nhận trợ cấp cho trẻ em ít khả năng có "bồ già" hơn so với những em gái ở độ tuổi tương tự sống trong các gia đình không nhận được sự giúp đỡ nào.
Ngoài ra, những bé gái này cũng giảm 50% nguy cơ quan hệ tình dục với "cha nuôi" để đổi lấy thực phẩm, tiền hay học phí.
Mức trợ cấp dành cho trẻ em tại Nam Phi là khoảng 280 rand (35 USD)/hộ gia đình/tháng. Có khoảng 11,2 triệu trẻ em dưới 18 tuổi ở Nam Phi được hưởng mức trợ cấp này. Ngoài ra, cũng có khoản trợ cấp 770 rand/tháng dành cho 573.000 trẻ được nhận nuôi.
Theo nghiên cứu, việc mở rộng những chương trình trợ cấp cho trẻ em đã đến với gần 70% số trẻ em khó khăn tại Nam Phi.
Dự kiến, nếu con số này đạt 100%, mỗi năm sẽ có khoảng 77.000 em gái ở độ tuổi từ 12-18 không cần "cha nuôi."
"Sugar daddy" là từ chỉ những người đàn ông nhiều tiền và luống tuổi muốn kiếm bồ trẻ. Hiện nay, tình trạng xuất hiện "sugar daddy" tại Nam Phi ngày càng tăng, kéo theo hậu quả là tỷ lệ lây nhiễm HIV trong các em gái tăng.
Những người đàn ông này thường nằm trong nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn thanh thiếu niên và họ thường ép buộc các bé gái quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, tính đến cuối năm 2012, Nam Phi có 6,1 triệu người nhiễm virus HIV gây bệnh AIDS, trong đó có 3,4 triệu phụ nữ, chiếm 1/6 tổng số người nhiễm HIV trên toàn thế giới.
Thanh thiếu niên chiếm 50% các ca mới nhiễm và các bé gái có nguy cơ nhiễm cao hơn bé trai từ 2-3 lần.
Những "sugar daddy" thường cho các bé gái tiền hay những lợi ích khác để đổi lấy quan hệ tình dục.
Nhà nghiên cứu Lucie Cluver thuộc Đại học Oxford (Anh) cho hay chừng nào những bé gái này được trợ cấp đủ cho cuộc sống thì chúng sẽ không lựa chọn trao đổi tình-tiền với những "cha nuôi."
Ông Cluver cho rằng trợ cấp của chính phủ vô cùng quan trọng đối với trẻ vị thành niên tại Nam Phi, đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất./.