Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), sau khi bị mù, cụ lấy hiệu là Hối Trai.
Thời thơ ấu, Nguyễn Đình Chiểu được sống trong sự nuôi dạy chu đáo nhưng đường đời của ông cũng sớm gặp gian truân.
Năm 1843, cụ thi đậu Tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 1849, cụ ra Huế chờ khoa thi Hội, chưa kịp thi thì được tin mẹ mất nên trở về Gia Định chịu tang mẹ. Vì khóc thương mẹ, cụ đã lâm bệnh nặng rồi bị mù hai mắt. Mãn tang mẹ, cụ mở trường dạy học, làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Người dân quý trọng gọi cụ là “Đồ Chiểu." Một người học trò của cụ tên là Lê Tăng Quýnh cảm thương hoàn cảnh cụ, đã xin cha mẹ gả em gái của mình cho cụ là bà Lê Thị Điền.
Năm 1859, giặc Pháp chiếm thành Gia Định, cụ Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Pháp chiếm Cần Giuộc, cụ về tị địa tại Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Biết cụ là người được nhân dân kính trọng và yêu mến, thực dân Pháp dùng mọi cách để mua chuộc. Cụ cương quyết không hợp tác với giặc. Cụ sống thanh bần, dùng thơ văn để làm vũ khí góp phần động viên, cổ vũ nhân dân chống giặc. Cụ mất vào ngày 3/7/1888 và an nghỉ tại xã An Đức, huyện Ba Tri.
Hiện nay, phần mộ của cụ nằm trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, cùng với phần mộ bà Lê Thị Điền (vợ của cụ) và người con gái là Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - nhà thơ, nhà báo, Chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam.
Những tác phẩm để đời
Trong cuộc đời 66 năm của mình, Nguyễn Đình Chiểu sống bằng nghề dạy học, nghề thầy thuốc và sáng tác văn chương.
Sự nghiệp văn chương của ông, trừ một bài thơ viết bằng chữ Hán, còn lại đều viết bằng chữ Nôm, với các truyện thơ nổi tiếng.
Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu gồm nhiều thể loại, trong đó thành công nhất là truyện thơ và các bài văn tế bằng chữ Nôm. Có thể kể đến các tác phẩm như Truyện thơ "Lục Vân Tiên," "Dương Từ-Hà Mậu," "Ngư Tiều y thuật vấn đáp," "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc," "Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh," 10 bài thơ điếu Đốc binh Phan Ngọc Tòng...
Nổi bật nhất trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu là truyện thơ "Lục Vân Tiên," là một tác phẩm đầu tay chứa đựng triết lý, trọng đạo nghĩa, tiết tháo làm người, thể hiện quan điểm ca ngợi, bảo vệ cái tốt, cái hay, cái đẹp và phê phán, “ghét cay, ghét đắng” cái xấu, cái ác.
Tác phẩm có tổng 2.075 câu thơ với hình thức truyện kể văn vần (hay còn gọi là truyện thơ) cùng nhiều hình tượng nghệ thuật đẹp trong văn chương đã được nhân dân tiếp nhận và tin theo đạo lý chính nghĩa ấy.
Qua tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện tư tưởng đổi mới Nho giáo mới với những nguyên tắc trung-hiếu-tiết-nghĩa rất gần gũi, bình dị và rất Nam Bộ.
Trưng bày tư liệu, hình ảnh đẹp về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm ưu tú của nền văn học Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân gian các tỉnh phía Nam. Đây là tác phẩm được cụ viết trước khi thực dân Pháp xâm lược, nhằm tuyên truyền đạo lý làm người.
Đặc biệt trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu là các bài văn tế, nhất là bài "Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc." Các bài văn tế đã đưa ông lên vị trí người mở đầu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ 19, một trong những tác giả dẫn đầu phong trào phi thực dân hóa ở khu vực và quốc tế giai đoạn này.
Khác các tác giả trước đó, Nguyễn Đình Chiểu đã nhìn thấy sức mạnh to lớn của những người nông dân trong chống giặc xâm lược; kính trọng, ca ngợi họ như những người anh hùng.
Trọn đời, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu tận hiến cứu người, giúp đời bằng nghề thuốc của mình. Tác phẩm "Ngư Tiều y thuật vấn đáp" là một tập hợp phong phú nhiều bài thuốc mà ông đã dày công tổng hợp, học hỏi và nghiên cứu, để lại giá trị cho muôn đời sau.
Ông xứng đáng được ghi nhận là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức.
Nhiều hoạt động tri ân
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã gắn bó với tỉnh Bến Tre 26 năm cuối đời. Gần 200 năm qua, người dân Bến Tre luôn xác định Nguyễn Đình Chiểu là một biểu tượng của vùng đất ba dãy cù lao.
Nhân cách lớn của ông thể hiện trên cả 3 lĩnh vực thơ văn, thầy giáo và thầy thuốc đã được UNESCO ghi nhận và tôn vinh là Danh nhân Văn hóa Thế giới tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 diễn ra từ ngày 9-24/11/2021 tại Paris, Pháp.
Sự kiện Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh Danh nhân và cùng tổ chức kỷ niệm 200 ngày sinh của ông là niềm tự hào cho đất nước Việt Nam nói chung, là vinh dự lớn cho tỉnh Bến Tre nói riêng.
Nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức học tập về thân thế, sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre luôn thực hiện những công việc có ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, tri ân nhà thơ, nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu.
Hồi tháng 7 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 201 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri), Ban Phụng tự thực hiện các nghi thức tế tự truyền thống, đọc văn bia và lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm. Sau đó, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú như diễu hành xe ôtô, môtô cổ; phiên đấu giá gây quỹ khuyến học mang tên Nguyễn Đình Chiểu...
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động gắn với nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu như Giới thiệu sách và phục vụ sách điện tử về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; biểu diễn các vở cải lương về cuộc đời, sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; ngày hội “Nói thơ Vân Tiên;" không gian thư pháp…
Những hoạt động trên đã động viên nhân dân ra sức thi đua yêu nước, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, tiến bộ, thân thiện; tạo sân chơi lành mạnh góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa địa phương; thúc đẩy, quảng bá hình ảnh vùng đất Bến Tre, thu hút du khách./.