Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn do Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức đã diễn ra chiều 29/9 tại Hà Nội, với giải cao nhất mang tên "Hiệp sĩ Dế Mèn" được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm "Làm bạn với bầu trời."
Ra mắt độc giả tháng 9/2019, "Làm bạn với bầu trời" là câu chuyện về Tèo, một cậu bé mắc bệnh và dành phần lớn thời gian nằm bên cửa sổ, ngắm bầu trời, trăng sao, hoa cỏ, muôn loài. Song, vượt ra khỏi một ý nghĩa cụ thể nào đó, chính điều mà Tèo nhìn ngắm hàng ngày là vương quốc của những sự thanh sạch, mộng mơ và khát vọng giúp con người chiến thắng bệnh tật, vượt qua những cám dỗ thông thường.
Đó cũng chính là sự mộng mơ làm nên ý nghĩa trong cuộc sống mỗi người. Phó giáo sư, tiến sỹ Ngô Văn Giá nhận xét đây là một tác phẩm bảo toàn được một tâm hồn trẻ thơ vô nhiễm, lưu trữ những trang văn trong lành, lương thiện và mơ mộng sẽ còn nối dài mãi.
"Với tư cách tác giả nhiều tuổi nhất và được giải cao nhất cho trẻ em, tôi xin đóng góp giải thưởng này (30 triệu đồng) cho Giải thưởng để mở rộng cuộc thi, nâng cao giá trị giải thưởng...," nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ sau khi nhận giải thưởng.
Là tác phẩm duy nhất trong số 5 ứng cử viên ở dạng tranh vẽ, nữ họa sỹ nhí Nguyễn Đới Chung Anh đã nhận về cho mình một giải "Khát vọng Dế Mèn."
[Tô Hoài viết cho người lớn, thiếu nhi, viết cho hiện tại và tương lai]
Chiêm ngưỡng các tác phẩm thể hiện chiêm nghiệm, suy nghĩ của một em nhỏ 10 tuổi, họa sỹ Thành Chương thán phục và tỏ rõ sự ngưỡng mộ với Chung Anh.
"Đó là một sự vô cùng ngỡ ngàng, đáng ngạc nhiên vì toàn bộ sự quan tâm tới thế giới của cháu được thể hiện qua những tác phẩm về dịch COVID-19. Giống như đây là một con người khác chứ không phải một đứa trẻ thế này," ông nói sau khi trao giải cho Chung Anh.
Giải thưởng "Khát vọng Dế Mèn" tiếp theo thuộc về nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung với 300 bài hát thiếu nhi, trong đó có bài "Nhật ký của mẹ," và thầy giáo tiểu học Nguyễn Chí Ngoan (sinh năm 1991), tác giả của "Mộng giang hồ." 7 truyện ngắn trong "Mộng giang hồ" cho thấy đề tài đời sống nhỏ vẫn có rất nhiều đất để khai thác.
Nhận phần thưởng, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung hiểu rằng các nhạc sỹ lớn đã có những cống hiến lớn và giá trị riêng, vì thế anh hy vọng được nối tiếp những cống hiến đó chứ không thể so sánh với họ. Chùm tác phẩm nhạc thiếu nhi của anh gồm những bài hát viết cho con của mình, gia đình của mình.
Ở giải "Khát vọng Dế Mèn" cuối cùng, nhà thơ Trần Đăng Khoa và đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh cùng xướng tên bé Cao Khải An với bản thảo (tức chưa xuất bản) mang tên "Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm." Khải An chính là con trai của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tác giả của "Cánh đồng bất tận."
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên kể lại về sự ngỡ ngàng khi phát hiện ra Khải An là con của Nguyễn Ngọc Tư. Sau khi chấm xong và gọi điện thông báo kết quả trực tiếp cho nữ nhà văn, ông vẫn không hề hay biết việc này. Về phần mình, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng không ngờ tác phẩm của con mình sẽ đạt giải vì: "Ban đầu, gia đình gửi cho vui thôi, không ngờ trúng giải vì truyện của Khải An viết cho thiếu nhi... nhưng chưa rút ra bài học đạo đức đáng kể!"
Tác phẩm của Khải An là tập hợp những câu chuyện nhỏ khôi hài, đôi khi rất lơ mơ về cuộc sống hiện thực quanh cậu. Ban tổ chức đánh giá đây là một trong những xu hướng đáng khuyến khích, bên cạnh những tác phẩm giả tưởng thường thấy.
Giải thưởng Dế Mèn lần thứ nhất, với tên gọi lấy cảm hứng từ tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài, được trao đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Giải thưởng ra đời nhằm thúc đẩy, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo về đề tài thiếu nhi, vốn vắng bóng trên đời sống văn nghệ cả nước hiện nay./.
Một số hình ảnh tại sự kiện: