Nhà đầu tư hết lạc quan, chứng khoán châu Á giảm

Dưới sự tác động từ kinh tế Mỹ và Trung Quốc, thị trường chứng khoán ở châu Á-Thái Bình Dương đồng loạt đi xuống trong phiên 13/7.
Các thị trường chứng khoán ở châu Á-Thái Bình Dương đồng loạt đi xuống trong phiên 13/7 khi sự lạc quan nhất thời về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ đã qua đi và Trung Quốc phủ nhận rằng họ đang nới lỏng chính sách kiểm soát nhằm cắt giảm tình trạng tăng nóng của thị trường bất động sản trong nước.

Lãi ròng cao hơn dự kiến của Tập đoàn nhôm Alcoa (Mỹ) đã góp phần mang lại thêm một khoảng thời gian ngắn hoạt động hiệu quả lúc đầu phiên 13/7 của nhiều thị trường chứng khoán châu Á.

Tuy nhiên, giới đầu tư lại quay sang lo lắng về kết quả kinh doanh sắp được công bố vào cuối tuần này của hàng loạt công ty lớn ở Mỹ như Intel, Google, General Electric, Citigroup, Bank of America, Intel và JPMorgan Chase.

Alcoa cho biết đã đạt lãi ròng 136 triệu USD trong quý 2/2010, so với mức thua lỗ 454 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 10,88 điểm so với phiên trước xuống 9.537,23 điểm, do sự hưng phấn về lợi nhuận khả quan của Tập đoàn nhôm Alcoa không còn, bên cạnh đó là sự đi xuống của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Cũng tại Tokyo, cổ phiếu của Nissan Motor giảm 1,52% phiên 13/7 sau khi hãng sản xuất ô tô lớn thứ ba Nhật Bản này thông báo có khả năng phải ngừng sản xuất tại Mỹ và Mexico, do hoạt động giao linh kiện bị trì hoãn.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) cũng giảm 0,7%, ngược với xu thế đi lên lúc đầu phiên.

Đóng góp vào sự sụt giảm này phải kể đến các thị trường chứng khoán Trung Quốc khi chỉ số Hang Seng tại Hongkong giảm 0,18% xuống 20.431,06 điểm và chỉ số Shanghai Composite (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) tại Thượng Hải cũng giảm 1,62% xuống 2.450,29 điểm.

Bộ Nhà ở Trung Quốc thừa nhận những thay đổi tích cực của thị trường bất động sản trong nước, song vẫn khuyến cáo chính quyền các địa phương phải thắt chặt chính sách cho vay nhằm ngăn cản hoạt động đầu cơ trong lĩnh vực này.

Một số thị trường chứng khoán khác ở châu Á cũng sa sút theo như thị trường chứng khoán Mumbai (Ấn Độ) và Đài Bắc (Đài Loan)./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục