Nhà đầu tư Thái Lan đánh giá cao tiềm năng của VN

Trong khi nền kinh tế thế giới đang suy giảm do chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư Thái Lan đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong khi nền kinh tế thế giới đang suy giảm do chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư Thái Lan đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tại cuộc Hội thảo về cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam vừa được tổ chức tại thủ đô Bangkok các nhà đầu tư Thái Lan  khẳng định tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư dài hạn ở Việt Nam với niềm tin sẽ gặt hái được những lợi ích kinh tế lớn trong tương lai.

Phóng viên TTXVN tại Thái Lan dẫn phát biểu của Chủ tịch Văn phòng Thương mại Mỹ-Việt, ông Christopher Runckel, cho rằng mặc dù kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng trong 10 tháng đầu năm 2008, Việt Nam vẫn thu hút được gần 60 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế trên 7%; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, hệ thống pháp luật; nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý, điều hành; xây dựng chính sách phát triển kinh tế rõ ràng và tăng cường giáo dục ý thức của người lao động. Tất cả những yếu tố trên là minh chứng thực tế cho thấy Việt Nam đang ngày càng trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn và là những cơ sở đáng tin cậy để các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư, kinh doanh tại đất nước này.

Cũng theo ông Runckel, ngoài những yếu tố trên, Việt Nam còn rất nhiều lợi thế khác như có nền chính trị ổn định và đội ngũ lao động lành nghề. Cụ thể là các sản phẩm do công nhân Việt Nam làm ra luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất trong khu vực, đặc biệt là các mặt hàng của hãng Nike và những sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cũng có những hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ lạm phát cao, hệ thống giáo dục-đào tạo lạc hậu, cơ sở hạ tầng và dịch vụ kém phát triển, chưa chú trọng công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như tính minh bạch trong hoạt động kinh tế. Ông Runckel cho rằng nếu khắc phục được các yếu điểm trên thì chắc chắn Việt Nam sẽ tạo ra được môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi.

Chuyên gia cao cấp về Việt Nam của Ngân hàng Bangkok, ông Wittaya Supattanakul, nhấn mạnh tới tiềm năng nhân lực của Việt Nam khi vừa có nguồn nhân lực rẻ hơn Thái Lan, vừa có đội ngũ lao động đông đảo với 69% dân số trong độ tuổi từ 15 đến 64. Đây cũng là quan điểm của ông Yungyong Putthapipat - Giám đốc điều hành Công ty sản xuất bao bì Thái Lan thuộc Tập đoàn Siam Cement (SCG).

Ông Putthapipat cho biết sau khi kinh doanh thành công tại Thái Lan, trong vài năm gần đây SCG đã đầu tư rất lớn vào Việt Nam và hiện đã chiếm 18% thị trường giấy bao bì ở Việt Nam. Theo ông Putthapipat, sở dĩ SCG quyết định đầu tư vào Việt Nam là vì đất nước này có rất nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực giấy bao bì. Hiện khoảng 35% sản lượng giấy bao bì của SCG được xuất sang Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở nước này./.

Tin cùng chuyên mục