Nhà ngoại giao Séc nhận định về sự tăng trưởng tích cực của Việt Nam

Theo nhà ngoại giao kinh tế David Jarkulisch, trong khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu do hậu quả của COVID-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia ghi nhận GDP tăng trưởng dương năm 2020.
Nhà ngoại giao Séc nhận định về sự tăng trưởng tích cực của Việt Nam ảnh 1Sản phẩm thủy sản Việt Nam tại trung tâm thương mại Tamda Food, thành phố Ustí nad Labem, Cộng hòa Séc. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Trong khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu do hậu quả của đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia ghi nhận GDP tăng trưởng dương trong năm 2020.

Nhà ngoại giao kinh tế David Jarkulisch, công tác tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc ở Hà Nội, đã đưa ra nhận định như vậy trong một bài viết đăng trên trang thông tin của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc mới đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, bài viết nhấn mạnh đến thành tựu kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, trong đó nêu bật tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt 2,9%. Việc GDP tiếp tục tăng đã đưa Việt Nam vào vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với giá trị GDP danh nghĩa là 340 tỷ USD, vượt qua Singapore (337 tỷ USD) và Malaysia (336 tỷ USD).

Tác giả bài viết nêu rõ yếu tố góp phần vào đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Đà tăng trưởng tích cực giúp củng cố sức tiêu dùng nội địa nhờ niềm tin của người dân trong nước và sự phục hồi kinh tế nhanh chóng. Việc ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đã giúp phần lớn nền kinh tế duy trì hoạt động, chỉ có một số ngành liên quan đến du lịch bị suy giảm đáng kể.

Nhờ các biện pháp chống dịch sâu rộng và các gói hỗ trợ hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đã duy trì được niềm tin của doanh nghiệp đối với đổi mới tăng trưởng kinh tế.

[Kinh tế Việt Nam 2021: Động lực tăng trưởng là tổng hòa nhiều yếu tố]

Theo khảo sát mới nhất của "HSBC Navigator" tháng 11/2020, các công ty Việt Nam thuộc nhóm những doanh nghiệp lạc quan nhất trên thế giới. Có tới 55% doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về tăng trưởng kinh tế, trong khi mức trung bình của thế giới chỉ là 29%. Niềm tin của người tiêu dùng cũng rất cao với khoảng 80% dân số Việt Nam tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng trong năm nay.

Bài viết còn cho rằng chi tiêu của chính phủ cũng đã tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam để duy trì tăng trưởng. Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt một loạt gói hỗ trợ kinh tế với tổng trị giá 29,5 tỷ USD (khoảng 11% GDP của Việt Nam).

Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều tác động, song một vài trong số này lại mang cơ hội cho Việt Nam, trong đó phải kể đến sự gia tăng tốc độ chuyển dịch đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam, xu hướng vốn bắt đầu trong cuộc chiến tranh thương mại gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ vào năm ngoái. Mặc dù khủng hoảng kinh tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt khoảng 20 tỷ USD (xấp xỉ giá trị như năm 2019).

Năm 2020, ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu một lần nữa là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam. Hiệu suất của ngành công nghiệp tính trên sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,4% (năm 2019 là 9,1%). Tăng trưởng của xuất khẩu chủ yếu dựa vào việc mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc trong ngành kỹ thuật điện tử

Tuy nhiên, bài viết cũng đề cập đến những khó khăn của ngành du lịch trong năm 2020. Theo tác giả bài viết, trong năm ngoái, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam giảm gần 80%, so với mức hơn 21 triệu lượt khách và đóng góp doanh thu 60 tỷ USD (20% GDP) của năm 2019.

Nhà ngoại giao Séc nhận định về sự tăng trưởng tích cực của Việt Nam ảnh 2Khách du lịch tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trước tình hình này, một bộ phận lớn các khách sạn và cơ sở giải trí của Việt Nam đã buộc phải giảm quy mô dịch vụ, ảnh hưởng tới 70% lao động trong ngành "công nghiệp không khói" do cắt giảm lương hoặc bị thôi việc.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra cũng đã tác động tiêu cực đến dòng kiều hối, vốn chiếm tới 6% GDP của Việt Nam. Trong khi năm 2019, lao động Việt Nam ở nước ngoài đưa về nước gần 17 tỷ USD, lượng kiều hối gửi về vào năm 2020 chỉ còn 15,7 tỷ USD, lần đầu tiên giảm trong 11 năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới.

Tác giả bài viết cũng cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại đáng kể trong năm 2021, mặc dù vẫn chưa hoàn toàn trở lại mức giá trị trước khủng hoảng là 7%. Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 dao động trong khoảng 6,0-6,8%.

Mặc dù Việt Nam hầu như đã ngăn chặn thành công dịch COVID-19, qua đó cho phép hầu hết các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, song yếu tố bên ngoài được xem là tác động đến đà tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Do đó, không thể kỳ vọng xuất khẩu - động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong vài thập kỷ, sẽ tăng trưởng đáng kể.

Do Việt Nam có thể sẽ tiếp tục đóng cửa với khách du lịch nước ngoài trong suốt năm 2021, nên nguồn thu từ du lịch cũng sẽ rất hạn chế. Phần lớn tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ đến từ dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào và tiêu dùng trong nước tăng mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục