Nhà nước ưu tiên dạy, học tiếng dân tộc thiểu số

Nhà nước tập trung đầu tư, ưu tiên việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đối với các dân tộc thiểu số ít người.
Nhà nước tập trung đầu tư, ưu tiên việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đối với các dân tộc thiểu số ít người là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được thể hiện tại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành.

Nghị định này quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, áp dụng cho người dạy tiếng dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Nghị định nêu rõ, bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền được cộng đồng sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác định hoặc bộ chữ đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng, được đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm, khoa sư phạm.

Về chế độ chính sách, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung; không áp dụng chế độ phụ cấp đối với những người đã được phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Người học tiếng dân tộc thiểu số được Nhà nước bảo đảm sách giáo khoa, tài liệu tham khảo dạy tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng. Người học là cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ đào tạo bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo quy định...

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2010. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều được bãi bỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục