Ngày 9/1, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chiến dịch tìm giải pháp cho vấn đề ngăn chặn thảm sát với tuyên bố Chính quyền sẽ kết hợp nhiều biện pháp, nhưng cũng sẵn sàng đơn phương hành động nhằm siết chặt việc kiểm soát kinh doanh và sở hữu súng đạn. Đây là dấu hiệu phản ánh quyết tâm của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ thảm sát như từng xảy ra hồi giữa tháng 12 năm ngoái tại một trường tiểu học ở bang Connecticut. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Phó Tổng thống Biden nêu rõ ưu tiên trước hết của Chính quyền Obama là tìm kiếm sự đồng thuận, nhưng cũng sẵn sàng sử dụng quyền hạn để đưa ra các sắc lệnh hành chính. Ngay sau cuộc họp báo, ông Biden đã tiến hành cuộc gặp đầu tiên để tham khảo các nhóm nạn nhân cũng như các tổ chức đảm bảo an toàn súng đạn về cách thức ngăn chặn nạn bạo lực súng đạn đã cướp đi sinh mạng của gần 100.000 người Mỹ trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2010. Vấn đề này càng trở nên cấp bách sau vụ xả súng bừa bãi vào một trường tiểu học ở bang Connecticut, làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 học sinh từ 5-7 tuổi. Ngay sau vụ này, Tổng thống Obama đã chỉ định Phó Tổng thống Biden đứng đầu nhóm đặc nhiệm để đưa ra các kiến nghị cụ thể về chính sách vào cuối tháng Một này nhằm siết chặt các quy định về kiểm soát kinh doanh và sở hữu súng đạn. Quan điểm của Phó Tổng thống Biden cho rằng cần tìm kiếm một sự đồng thuận xã hội kết hợp sử dụng cả các sắc lệnh hành chính và tăng cường luật pháp. [Mỹ cân nhắc biện pháp ngăn chặn bạo lực súng đạn] Nhóm đặc nhiệm của Nhà Trắng dự kiến vào cuối tháng này sẽ đệ trình Tổng thống Obama gói biện pháp tổng thể, trong đó có việc kiểm tra nghiêm ngặt hồ sơ lý lịch của những người nộp đơn mua súng đạn, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các cửa hàng kinh doanh súng đạn trên cả nước và tăng cường kiểm tra tình trạng tâm lý của những người sở hữu súng đạn, xử phạt nặng những đối tượng mang súng vào gần trường học hoặc đưa súng đạn cho trẻ vị thành niên. Năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm 10 năm đối với việc buôn bán và sở hữu 19 loại vũ khí tấn công. Đến năm 2004, đạo luật này hết hiệu lực và từ đó đến nay phe Cộng hòa vẫn phản đối mạnh mọi đề xuất kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán súng trong khi NRA cho rằng mọi biện pháp hạn chế súng đạn là vi phạm quyền hiến định của người dân. Tuy nhiên, sau vụ thảm sát ở bang Connecticut, ngày càng có thêm nhiều tiếng nói từ cả các chính khách và các nghị sĩ ở Mỹ ủng hộ việc siết chặt kiểm soát buôn bán và sở hữu súng đạn./.
(TTXVN)