Nhà viết kịch Lộng Chương là một cây đại thụ trong “làng sân khấu,” người làm rạng rỡ sân khấu Việt Nam.
Đây là ghi nhận của các nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu, các văn nghệ sỹ, những người yêu mến sân khấu tại tọa đàm “100 năm nhà viết kịch Lộng Chương” do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức chiều 7/1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhà viết kịch Lộng Chương sinh năm 1918, mất năm 2003; tên thật là Phạm Văn Hiền, quê gốc ở Hải Dương.
Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật năm 2002 do có nhiều cống hiến và để lại dấu ấn ở các phương diện: sáng tác, đạo diễn, tổ chức hướng dẫn, thành lập một số đoàn sân khấu...
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, tham luận sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp, các tác phẩm của tác giả Lộng Chương. Hầu hết các ý kiến thống nhất rằng những tác phẩm của Lộng Chương một thời đã làm rạng rỡ cho sân khấu, là sinh mệnh của biết bao nhiêu đoàn nghệ thuật.
Bằng sức sáng tạo không mệt mỏi, Lộng Chương đã ký thác đời minh vào một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Không chỉ vậy, ông còn chia gửi những ý tưởng lớn cho mọi người, trong những tác phẩm của nhiều người viết kịch đến thụ giáo ông.
Nghệ sỹ - nhà viết kịch Lộng Chương không qua trường lớp, không đứng trên bục giảng nhưng có nhiều học trò.
Ngày nay, nhiều người đã có tên tuổi vẫn luôn nhớ về ông-người thầy uyên bác, đã truyền dạy cho họ không chỉ nghề nghiệp mà còn cả nhân cách sống...
Chia sẻ những ký ức đẹp về nhà viết kịch Lộng Chương, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Minh Ngọc cho rằng: "Ông ít nói nhưng khi đã nói thì câu chữ rất chính xác, chắc nịch. Tính ông điềm đạm nhưng rất sôi nổi trong phân tích dàn dựng. Nhà viết kịch Lộng Chương là người Tây học nhưng cách sống, cách ứng xử rất Á Đông. Nghệ thuật trong ông tưởng cũ nhưng rất mới. Cái hiện tại và cái truyền thống hòa quyện trong con người ông. Cái hài đậm chất phương Đông cũng được thể hiện rất gần với thủ pháp gây hài cổ điển Pháp trong con người Lộng Chương."
Khẳng định nhà viết kịch Lộng Chương là con người kỳ diệu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trí Trắc cho biết thêm, kỳ diệu nhất có lẽ là ông không được học ở trường nghệ thuật sân khấu nào, không có một văn bằng chuyên nghiệp nào về sân khấu thế mà lại trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm.
Ông khảo tá, chỉnh lý, viết lại chèo cổ, sáng lập nhiều ban kịch, nhiều đơn vị nghệ thuật chèo, kịch, cải lương rồi làm thầy, làm cố vấn cho nhiều nghệ sĩ trẻ trưởng thành. Ông là người toàn tài, đa năng, được Đảng, Nhà nước, cả giới sân khấu thừa nhận, kính trọng.
[Lê Khanh tái xuất cùng ‘Quẫn’ ở ‘thánh đường nghệ thuật’ Hà Nội]
Sinh thời, nhà viết kịch Lộng Chương từng theo học ngành hóa chất, sau đó tham gia các nhóm kịch tài tử Ban kịch Hà Nội, Nhóm kịch Thế Lữ…
Những năm 40 thế kỷ trước, ông tham gia Ban kịch Bình Dân thuộc Nha Bình dân học vụ. Khi Hà Nội bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp, Lộng Chương cùng ban kịch lưu diễn trên vùng Việt Bắc…
Ông là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (tháng 7/1957). Bên cạnh đó, ông cũng từng là thầy dạy của các thế hệ đạo diễn, diễn viên như Ðoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Hoàng Thanh Giang...
Trong suốt cuộc đời minh, Lộng Chương sáng tác, chỉnh lý, viết lại hàng trăm vở kịch ở nhiều thể loại: kịch nói, kịch hát, kịch rối, hài kịch...
Phần lớn tác phẩm của ông đều được sử dụng, in thành sách, các đoàn dàn dựng. Ngôn ngữ trong các sáng tác của nhà viết kịch Lộng Chương trong sáng, giản dị, gần gũi với quần chúng, bám sát hiện thực đời sống.
Trong số đó, nổi bật là những tác phẩm hài kịch như “Cửa hé mở,” “Hỏi vợ” ... và các vở kịch như “Tình sử Loa thành,” “Ðôi ngọc lưu ly”...
Ðặc biệt, vở hài kịch “Quẫn” được đánh giá là một trong những tác phẩm vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian và trở thành một vở hài kịch tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất của sân khấu cách mạng nước ta từ năm 1945 đến nay.
Nhân dịp này, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đoàn kịch LucTeam sẽ công diễn vở hài kịch “Quẫn” của đạo diễn Trần Lực như lời tri ân với những công lao to lớn của ông dành cho nền sân khấu nước nhà./.