Nhạc giao hưởng VN được đón nhận nồng nhiệt ở Nhật

Buổi trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Tokyo đã nhận được tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt của thính giả Nhật Bản.
Cánh cửa nhà hát Kanematsu trường Đại học Hitotsubashi (Tokyo) khép lại cũng là lúc bản giao hưởng “Vào chùa” do nghệ sĩ ưu tú Ngô Hoàng Quân chuyển thể từ bài dân ca quan họ Bắc Ninh cùng tên vang lên.

Toàn bộ thính phòng lặng im, chỉ còn tiếng chuông ngân và tiếng người niệm Phật. Và rồi, khúc dạo đầu của bản nhạc cất lên khiến ngay cả những thính giả khó tính nhất cũng phải gật gù, trầm ngâm để lắng nghe cho trọn bài.

Buổi trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO) chiều 29/9 đã nhận được tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt của các thính giả Nhật Bản cứ mỗi khi nhạc trưởng Honna Tetsuji và các nhạc công hoàn tất một khúc diễn tấu.

Các thính giả không chỉ bất ngờ về chất lượng chuyên môn của dàn nhạc mà còn ngạc nhiên hơn khi biết được người nhạc trưởng tài năng lại là một người Nhật trong khi chủ đề xuyên suốt của buổi diễn là âm nhạc thính phòng trong không gian phật giáo, đậm chất Á Đông.

Giọng đọc khoan thai, lời kể truyền cảm của nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh và phần nhạc nền đầy tinh tế của VNSO đã dẫn dắt người nghe vào câu chuyện về luật nhân-quả, về lòng khoan dung của Đức Phật trong không gian huyền bí của tác phẩm “Sợi tơ nhện”.

Đây là bản nhạc được cố nhạc sĩ vĩ đại Yasushi Akutagawa lấy cảm hứng và chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của cha mình - nhà văn Ryunosuke Akutagawa. “Sợi tơ nhện” của cố nhà văn người Nhật Akutagawa Ryunosuke được coi là một kiệt tác văn học cận hiện đại mang âm hưởng của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa đời Đường.

Điều mà các thính giả cảm thấy thích thú là tác phẩm này được chuyển thể sang loại hình nhạc thính phòng minh hoạ cho nội dung câu chuyện. Qua các khúc biến tấu và tài chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji, người ta thấy được cả sự gấp gáp của kẻ tội đồ Kandata khi hắn chớp được cơ hội thoát khỏi địa ngục và hồ Máu bằng sợi tơ nhện mỏng manh, sự khoan thai và lòng từ bi của Đức Phật cũng như độ kịch tính của trường đoạn sợi tơ nhện dẻo dai chịu được sức nặng của hàng vạn tội đồ bám vào nhưng lại bất ngờ đứt phựt ngay khi Kantada không vượt qua được sự ích kỷ và nhỏ nhen của chính mình.

Cốt truyện không mới nhưng cái mới là các nghệ sĩ và nhạc công Việt Nam đã thổi cái hồn Việt vào trong tác phẩm này.

Buổi trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam tại trường Đại học Hitotsubashi, thành phố Kunitachi, Tokyo, nằm trong chương trình lưu diễn tại 7 thành phố trên khắp Nhật Bản mà VNSO thực hiện nhằm thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Bà Yoshiko Ashiwa, Giáo sư xã hội học trường Đại học Hitotsubashi, cho biết: “Tôi cảm thấy vui mừng khi các sinh viên và người Nhật Bản yêu mến nhạc giao hưởng có dịp thưởng thức những bản nhạc có chất lượng chuyên môn cao đến vậy.”

Theo bà, buổi hoà nhạc thực sự là một cơ hội quý báu để kết nối trái tim của nhân dân hai nước và góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp.

Tuy vẫn còn một chặng dừng chân nữa nhưng tính đến thời điểm này, chuyến lưu diễn của VNSO đã đạt được những thành công ngoài mong đợi khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thính giả Nhật Bản.

Ngày 1/10, VNSO sẽ có một buổi hoà nhạc trong khuôn viên chùa Todai, thành phố Nara. Đây là chặng dừng chân cuối cùng và là buổi trình diễn mà nhạc trưởng Tetsuji đặt nhiều kỳ vọng vì đây mục đích lớn nhất của ông trong chuyến lưu diễn lần này./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục