Nhận diện đầy đủ giá trị Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Gành Đá Đĩa

Theo các chuyên gia, tại một số tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cũng xuất lộ bazan dạng cột do hoạt động của núi lửa, tuy nhiên, bazan dạng cột ở những địa phương trên không độc đáo như ở Gành Đá Đĩa.

Du khách tham quan Gành Đá Đĩa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Du khách tham quan Gành Đá Đĩa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Gành Đá Đĩa là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan, độc đáo về địa chất ở Việt Nam nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng hơn 40km về phía Bắc.

Gành Đá Đĩa là một bãi đá rộng, gồm các cột đá bazan hình tròn, hoặc hình lục giác xếp chồng lên nhau nhô ra biển.

Với những giá trị về địa chất, lịch sử, Gành Đá Đĩa được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 4/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Bảo quản, Tu bổ, Phục hồi Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Gành Đá Đĩa.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm gần 809ha (không bao gồm diện tích khoanh vùng bảo vệ của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa), thuộc Phân khu 9, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Gành Đá Đĩa và không gian cảnh quan thiên nhiên, môi trường-sinh thái xung quanh.

Các giá trị di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan môi trường và tài liệu, hiện vật liên quan; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa và các yếu tố đô thị, kinh tế-xã hội, dân cư; các thể chế chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất đai khu vực lập quy hoạch; mối liên hệ với các di tích, công trình, địa điểm trong khu vực nhằm kết nối, phát triển du lịch.

ttxvn-0412-ganh-da-dia-2-7346.jpg
Gành Đá Đĩa là một bãi đá trải rộng, điểm cao nhất là các cột đá bazan hình tròn, hoặc hình lục giác xếp chồng lên nhau nhô ra biển. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và bảo tồn các giá trị đặc sắc về địa chất của Danh lam Thắng cảnh Gành Đá Đĩa; bảo vệ tài nguyên mặt nước, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Việc lập quy hoạch cũng nhằm phát huy giá trị Danh lam Thắng cảnh Gành Đá Đĩa, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên, vùng Nam Trung Bộ và cả nước; kết nối với các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị độc đáo của danh thắng và di sản văn hóa truyền thống khu vực.

Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ danh lam thắng cảnh làm cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ; xác định các khu chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh.

Lập Quy hoạch làm cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực đầu tư; quản lý, bảo vệ danh lam thắng cảnh và các di sản trong khu vực; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị danh lam thắng cảnh; xây dựng các quy định để quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực danh lam thắng cảnh và các khu vực lân cận, phù hợp với quy hoạch được duyệt và quy hoạch khác có liên quan.

ttxvn-0412-ganh-da-dia-3-3844.jpg
Gành đá đĩa gồm các cột đá hình tròn, lục giác, xếp chồng lên nhau trải dài dọc ven biển. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Các yêu cầu về nội dung nhiệm vụ lập Quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng danh lam thắng cảnh; đánh giá mối liên hệ vùng bao gồm: Mối liên kết với hệ thống đô thị, du lịch và điểm dân cư trên địa bàn, vị trí, vai trò của danh lam thắng cảnh đối với phát triển du lịch nói riêng, kinh tế-xã hội của địa phương nói chung; xác định đặc trưng, nhận diện yếu tố cấu thành, cấu trúc không gian cảnh quan và các giá trị tiêu biểu khác của danh lam thắng cảnh...

Gành Đá Đĩa là khu vực có điều kiện địa chất mang tính đặc thù với loại đá bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa gặp các điều kiện thích hợp đã tạo thành đá dạng cột có mặt cắt hình ngũ giác, lục giác, phân bố trên bên bờ biển, rộng 50m, dài 200m.

Theo một số chuyên gia về địa chất, tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi cũng xuất lộ bazan dạng cột do quá trình hoạt động núi lửa.

Tuy nhiên, bazan dạng cột ở những địa phương trên không có được vẻ đẹp độc đáo như ở Gành Đá Đĩa.

Bên cạnh giá trị về mặt địa chất, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, danh thắng Gành Đá Đĩa còn có giá trị về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển. Đó chính là những điều kiện quan trọng để du lịch Phú Yên phát triển một cách bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục