"Nhận diện tác gia Phan Khôi" qua lăng kính Lại Nguyên Ân

Chiều 29/8, Nhà xuất bản Tri thức tổ chức tọa đàm “Nhận diện tác gia Phan Khôi” qua lăng kính của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân.

Chiều 29/8, Nhà xuất bản Tri thức tổ chức tọa đàm “Nhận diện tác gia Phan Khôi” qua lăng kính của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân.

Tác giả Phan Khôi (1887 - 1959) là gương mặt nổi bật trong đời sống báo chí và học thuật Việt Nam những năm 1920-1940, nhưng lại là gương mặt chưa nhiều người biết trong đời sống sách báo và học thuật miền Bắc, kể từ đầu những năm 1960 và cả nước từ sau 1975 cho đến tận những năm cuối thế kỷ XX.

Việc khôi phục một mảng ký ức văn hóa học thuật gắn với tác gia này chỉ mới được thực hiện từ đầu thế kỷ XXI, do nỗ lực riêng của một số nhà sưu tầm nghiên cứu, chủ yếu là tìm lại và tái công bố những tác phẩm Phan Khôi từng đăng báo, in sách.

Theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, tác gia Phan Khôi hoạt động trên nhiều phương diện từ nhà báo, nhà văn, nhà thơ… Khi là nhà báo, ông vừa là người viết báo, người tổ chức các tờ báo, vừa tổ chức ra các sự kiện báo chí. Phan Khôi chủ trương về một tiếng Việt thống nhất, lấy tư duy logic làm cơ sở kết cấu ý tưởng bài báo, văn viết theo ngôn ngữ sống hiện tại, khả năng sử dụng phương ngữ…

Về phương diện tư tưởng, Phan Khôi là người Việt Nam đầu tiên lên tiếng công khai về tác hại kìm hãm phát triển xã hội của Nho giáo, dành nhiều năm suy tư và truy tìm bản chất xã hội của Nho giáo và Nho gia, vạch ra những phương diện cần đả phá của Nho giáo và những mặt nên thừa kế ở truyền thống Nho giáo. Ông cũng là người đầu tiên nêu vấn đề phụ nữ, ủng hộ nữ quyền.

Phan Khôi đưa ra luận giải, thảo luận, tranh luận về các giai đoạn, các vấn đề lịch sử Việt Nam, với các trang hồi ức, ký ức, – một nhân chứng về đời sống người Việt các thời đã qua, nhất là thời kỳ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Phan Khôi với ý thức về lối phê bình văn nghệ ở văn học hiện đại Việt Nam và sự đóng góp của ông cho thể tài quan trọng ấy của văn học Việt Nam hiện đại. Ông như người phác thảo lịch sử văn học đề tài phụ nữ và tác gia văn học phụ nữ … Ông cũng là người đề xuất công việc sửa văn, dọn vườn văn lẫn nhau trong làng văn làng báo, tự nhận vai “Ngự sử đàn văn” sau này được giới báo chí văn học kế thừa…

Phan Khôi như con người đã “chín” trong truyền thống thơ cũ và khát vọng bước ra khỏi quỹ đạo thơ cũ. Tuy ông không là tác giả xuất sắc của Thơ mới những lại được nhất trí ghi nhận là người khởi xướng Thơ mới.

Phan Khôi từng học theo hệ thống Nho học, có kiến giải về các học phái ở Trung Hoa cổ đại, nhưng được ông viết thì thường chỉ có các vấn đề về di sản Nho giáo của Khổng Tử và của Tống Nho, nhưng đó là những kiến giải sâu, chủ kiến vững, được tiếp cận từ nhu cầu “thoát Trung cổ luận” và “thoát Trung luận”, từ quan điểm tiến hóa, đòi canh tân, tiến bộ cho xứ sở.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhấn mạnh, cái riêng của Phan Khôi là ở chỗ trong khi chủ trương xây dựng tiếng Việt trên căn bản ngôn ngữ nói, Ông vẫn chống lại khuynh hướng tuyệt đối hóa các phương ngữ, một dạng "ly khai" ngôn ngữ có thể dẫn đến ly khai trong nội bộ dân tộc.

Ông luôn đấu tranh cho một tiếng Việt chuẩn mực, chung cho toàn quốc mà mỗi phương ngữ chỉ là một biến thể của tiếng Việt chung đó. Phải đặt trong bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm 1929-1930, trong lúc có những người đã đòi soạn riêng sách giáo khoa tiếng miền Nam thì mới thấy đóng góp của Phan Khôi và các đồng nghiệp của ông ở tờ Thần chung, khi xới lên cuộc tranh luận bảo vệ sự thống nhất của tiếng Việt là quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục