Nhanh chóng sửa lỗi chữ sai ở Đền Hùng và Đền Mẫu Âu Cơ

Các sự cố lỗi Hán tự ở tỉnh Phú Thọ cho thấy việc quản lý di sản văn hóa đang khẩn thiết chờ một cơ chế giám sát, quản lý tổng hợp.
Nhanh chóng sửa lỗi chữ sai ở Đền Hùng và Đền Mẫu Âu Cơ ảnh 1Bức hoành phi mới “Quốc Tộ Vĩnh Truyền” được treo ở Đền Trung vào cuối tháng 11/2013. (Ảnh: Đào An-TTXVN)

Sau loạt bài đăng trên báo điện tử Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam vào cuối tháng 3/2013 phản ánh về lỗi Hán tự trong bức hoành phi ở Đền Trung (khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng) và bức đại tự ở Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa), tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương khắc phục những sai sót đáng tiếc trên giúp người đọc hiểu đúng ý nghĩa của các bức hoành phi, câu đối, trả lại sự tôn nghiêm của các văn tự.

Đổi hoành phi mới

Bà Tạ Thị Kim Nhung, Phó Giám đốc Ban quản lý di tích Đền Hùng phụ trách mảng bảo tồn cho biết, sau khi báo chí phản ánh về việc  bức hoành phi “Triệu Tổ Nam Bang” ở nhà Đại Bái Đền Trung viết sai chữ “Tổ” khiến nội dung bức hoành phi trở thành bất thành văn, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng đã khẩn trương đề nghị Viện nghiên cứu Hán Nôm về làm rõ những nội dung báo chí nêu.

Ngày 5/4/2013, Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã thành lập Hội đồng thẩm định bức hoành phi bằng chữ Hán tại Đền Trung do phó giáo sư, tiến sỹ Trịnh Khắc Mạnh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm làm Chủ tịch hội đồng cùng 4 phó giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành Hán Nôm khác của viện tham gia thẩm định.

Sau khi nghiên cứu, Hội đồng thẩm định đã kết luận bức hoành phi “Triệu Tổ Nam Bang” có sai một số lỗi: Về cú pháp chưa chuẩn xác, phải viết là “Nam Bang Triệu Tổ”; về nội dung dùng từ Nam Bang (chỉ Việt Nam chỉ là một bang của Trung Quốc) là chưa đề cao ý thức tự tôn dân tộc, về chữ tại chữ “Tổ” đã viết thừa một nét thành không đúng nghĩa.

Hội đồng đã thống nhất đề nghị không sử dụng bức hoành phi này. Kết luận này đã được phó giáo sư, tiến sỹ Trịnh Khắc Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định ký.

Đến ngày 1/8/2013, Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục thành lập Hội đồng sáng tác hoành phi tại di tích lịch sử Đền Hùng. Sau khi cân nhắc bàn bạc tìm phương án thay thế, Hội đồng sáng tác đã thống nhất dùng bức hoành phi mới với bốn chữ “Quốc Tộ Vĩnh Truyền."

Nghĩa của bức hoành phi mới là: Vận nước thịnh vương truyền lưu mãi mãi. Câu này có ý nghĩa khẳng định vận và thế của nước Việt Nam kể từ khi khởi dựng cho đến nay và mai sau ngày càng lớn mạnh và bền vững…

Bức hoành phi với nội dung mới này đã được treo ở Đền Trung vào cuối tháng 11/2013.

Bên cạnh đó, việc sửa chữa những sai sót tại Đền Mẫu Âu Cơ, ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa cũng đang được triển khai nhưng còn chậm. Bà Lê Thị Kim Thanh, Trưởng Ban quản lý khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ cho biết, hiện Ban quản lý đang lập hồ sơ gửi lên cơ quan chức năng theo đúng trình tự thủ tục xin ý kiến chỉ đạo về việc sửa chữa bức đại tự ở Đền Mẫu Âu Cơ.

Trước mắt, Ban quan lý cũng đã mời các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành của Viện Hán Nôm về nghiên cứu và đổi lại vị trí bộ hoành phi câu đối bị treo nhầm vị trí và lỗi chữ Hán trên một bức đại tự.

Được biết, việc đặt sai vị trí hai vế đối tại Đền Mẫu đã được Ban quản lý phát hiện từ lâu và nhiều du khách đến đây cũng đã góp ý về hai bức hoành phi câu đối này.

Tuy nhiên, chỉ sau khi báo điện tử Vietnamplus phản ánh về những sai sót này thì Ban quản lý khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ mới bắt tay vào việc sửa chữa dù việc này đáng lẽ phải khắc phục từ lâu.

Nhanh chóng sửa lỗi chữ sai ở Đền Hùng và Đền Mẫu Âu Cơ ảnh 2Lễ dâng hương Tổ mẫu Âu Cơ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng năm 2013. (Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN)

Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Đền Mẫu Âu Cơ là những khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, trong đó khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ tự tổ tiên chung của cả nước, việc không phát hiện ra những sai sót trong bức hoành phi ở Đền Hùng và bức đại tự ở Đền Mẫu Âu Cơ là sơ xuất lẽ ra "không được phép có."

Theo ông Khiêm, năm 2002, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh đã tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học xây dựng hồ sơ Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng và các di tích thời đại Hùng Vương phụ cận, trong đó đã nghiên cứu, ghi chép tỉ mỉ và dịch nghĩa đầy đủ các chữ Hán trong những hoành phi, câu đối cổ còn lưu trữ tại Đền Hùng.

Vì vậy, việc để xảy ra những sai sót trên từ nhiều năm nay là do Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã không tham khảo những tài liệu đã được ghi chép trước đó. 

Vẫn “chảy máu” di sản

Thực tế cho thấy, việc sửa chữa những sai sót trong bức hoành phi ở Đền Hùng và bức đại tự ở Đền Mẫu Âu Cơ mới chỉ khắc phục được một phần nhỏ.

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ còn có rất nhiều bức hoành phi, câu đối cổ có tuổi đời cách đây hàng trăm năm đang được lưu giữ tại nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng cũng như chưa xếp hạng. Các hoành phi, câu đối cổ này chủ yếu được làm bằng chất liệu gỗ, do tác động ngoại cảnh hiện đang xuống cấp nghiêm trọng và không còn nhiều giá trị sử dụng.

Nhiều hoành phi, câu đối bị thất lạc, thay đổi hoặc bị mất một bản vế làm cho văn bản không còn nguyên giá trị. Hoặc việc hư hỏng khiến không thể treo, đặt tại những vị trí đúng. Do vậy, nhiều địa phương đã tự ý xây dựng lại các hoành phi, câu đối bằng nhiều nguyên vật liệu khác nhau, thậm chí là vôi cát để khôi phục lại bản thể đã mất hoặc đã bị hư hại.

Tuy nhiên, việc sửa lại các hoành phi, câu đối này không có ý kiến của các nhà chuyên môn mà chỉ là thuê thợ mang tính thủ công, nên khi sửa chữa xong hầu như là không đúng với nguyên bản. Điều này đã vi phạm nguyên tắc bảo tồn di tích dẫn đến hậu quả làm cho vốn cổ của di tích bị sai lệch hoặc thất thoát…

Bên cạnh đó, việc quản lý, bảo vệ các bức hoành phi, câu đối cổ tại các di tích vẫn rất lỏng lẻo, cấp chính quyền chưa thực sự vào cuộc, phó mặc cho người dân tự trông coi.

Đặc biệt, việc kiểm tra nội dung đúng, sai của những bức hoành phi, câu đối cũng việc như tu sửa di tích, hiến tặng, công đức các đồ thờ cúng... chưa được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ quan tâm đúng mức và đúng quy định về bảo tồn, bảo tàng di tích, dẫn đến những sai sót không đáng có.

Việc các ngành chức năng tỉnh Phú Thọ nhanh chóng sửa chữa và khắc phục những sự cố nêu trên là rất đáng ghi nhận, song điều đáng nói là công tác quản lý di sản văn hóa ở tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung đang khẩn thiết chờ một cơ chế giám sát, quản lý tổng hợp, thay vì chỉ thực hiện những biện pháp “chữa cháy” tạm thời, theo kiểu “sai đâu, sửa đó”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục