Ngày 20/9, chính phủ Nhật Bản đã quyết định chi 3.484,7 tỷ yen (24,2 tỷ USD) từ ngân sách dự phòng năm 2022 để thực hiện các chính sách bổ sung nhằm đối phó với xu hướng vật giá tăng mạnh thời gian qua.
Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 853,9 tỷ yen để hỗ trợ cho các gia đình có thu nhập thấp, không thuộc diện đóng thuế thu nhập, mức 50.000 yen/hộ, để giải quyết một phần khó khăn do giá lương thực, giá điện và giá khí đốt tăng cao.
Bên cạnh đó, để kiềm chế đà tăng giá nhiên liệu, chính phủ Nhật Bản sẽ chi 1.295,9 tỷ yen nhằm tiếp tục thực hiện chính sách trợ giá cho các nhà cung cấp đầu mối đến cuối năm 2022. Như vậy, tính từ tháng 1/2022, chính phủ Nhật Bản đã quyết định chi hơn 3.000 tỷ yen để thực hiện chính sách kiểm soát giá năng lượng.
Với quyết định thực hiện chính sách bổ sung lần này, ngân sách dự phòng của chính phủ Nhật Bản nhằm thực hiện chính sách vật giá và phòng chống COVID-19 trong năm 2022 còn dư khoảng 1.261,1 tỷ yen.
[Kinh tế Nhật Bản ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp GDP tăng trưởng]
Phát biểu sau phiên họp nội các, Chánh văn phòng nội các Matsuno Hirokazu cho biết giá hàng hóa nhập khẩu liên tục duy trì ở mức cao khiến giá các mặt hàng lương thực, năng lượng như giá điện, giá khí đốt tại Nhật Bản tăng lên.
Chính phủ Nhật Bản cần triển khai chính sách để bảo vệ cuộc sống của người dân khỏi ảnh hưởng từ việc giá cả tăng. Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Suzuki Shunichi cho biết chính phủ quyết định sử dụng ngân sách dự phòng để có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả các chính sách đối phó với xu hướng vật giá tăng cao như hiện nay.
Lạm phát tại Nhật Bản tiếp tục tăng cao trong những tháng gần đây. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống thường biến động) của Nhật Bản trong tháng 8/2022 tăng 2,8%, cao hơn nhiều so với con số 2,4% trong tháng trước đó và cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Đây là tháng thứ 12 liên tiếp chỉ số này tăng nhưng là tháng thứ 5 liên tiếp ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Điều này cho thấy lạm phát do chi phí đẩy đang tăng tốc ở Nhật Bản.
Nếu loại trừ tác động của việc tăng thuế tiêu dùng, CPI cơ bản của Nhật Bản tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/1991. Nếu loại trừ biến động giá thực phẩm tươi sống và năng lượng, CPI chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy biến động của giá năng lượng tác động mạnh tới lạm phát ở Nhật Bản./.