Nhật Bản có thể đối phó với chủ nghĩa đơn phương của ông Trump?

Cho đến nay, chính quyền ông Abe phản ứng kiềm chế trước những chỉ trích của dân chúng đối với chính quyền Trump, đồng thời tìm cách làm sáng tỏ những mục đích của Mỹ.
Nhật Bản có thể đối phó với chủ nghĩa đơn phương của ông Trump? ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được bầu lại làm Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng policyforum.net, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tận hưởng giai đoạn ổn định chính trị trong nước. Và ông cần điều đó để giải quyết những vấn đề đau đầu trong chính sách đối ngoại mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) ngày 20/9, ông Abe sẽ phải củng cố vị thế của mình ở trong nước cho đến tận năm 2021. Đối với ông, sau khi tái cử chức chủ tịch LDP, việc ổn định chính trị là cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề bất ổn trong hệ thống quốc tế ngày nay.

Đầu tiên và quan trọng nhất là quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, đang được thử thách bởi Trump - vốn là người không kiên định. Mỹ đang gây sức ép với Nhật Bản về một hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) cởi mở, công bằng và tương trợ lẫn nhau nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước. Điều này lý giải mối lo ngại của Tokyo đối với Washington, nhưng thậm chí trước đó, Nhật Bản vẫn lo ngại bởi một loạt quyết định đơn phương của chính quyền Trump trong khu vực, chẳng hạn như ngừng tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn ở bán đảo Triều Tiên và chấp nhận tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng Sáu vừa qua.

[Con đường chông gai phía trước của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe]

Những quyết định này sẽ không quá khó hiểu nếu chúng dựa trên một chiến lược rõ ràng và dài hạn được liên kết với các đồng minh, đối tác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không có một chiến lược như vậy.

Ví dụ, việc thúc đẩy một FTA song phương với Tokyo để giảm thâm hụt song phương giữa hai nước là không thực tế và không cần thiết. Thâm hụt có thể được Tokyo giảm xuống thông qua việc mua vũ khí, năng lượng và một số sản phẩm nông nghiệp của Mỹ mà Tokyo đã đặt lên bàn đàm phán, còn việc trao đổi ô tô lấy thịt bò sẽ không thể làm giảm thâm hụt giữa hai nước.

Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chúng ta đã nhìn thấy Washington đồng loạt phát động các cuộc chiến thương mại với Nhật Bản, Canada và Liên minh châu Âu (EU). Bất kỳ chiến lược gắn kết nào để tiến hành chiến tranh thương mại thành công với Trung Quốc cũng cần phải có sự phối hợp với các đồng minh vốn có chung những lo ngại về các hoạt động thương mại của Bắc Kinh và những ý đồ lâu dài của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhật Bản có thể đối phó với chủ nghĩa đơn phương của ông Trump? ảnh 2Nhật Bản và Mỹ tiếp tục hợp tác chống phổ biến vũ khí hạt nhân. (Nguồn: AP)

Tháng Năm vừa qua, tại một hội thảo của Viện nghiên cứu Brooking, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản Akira Amari cho rằng nếu còn ở lại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hay một phiên bản sửa đổi của hiệp định này, chính quyền Trump lẽ ra có thể đòi hỏi nhiều hơn từ phía Trung Quốc. Đối với Nhật Bản (và cả Trung Quốc), thông điệp được đưa ra ở trong nước là những chiến thuật thương mại của Nhà Trắng không phải dựa trên kinh tế, song nhiều khả năng địa chính trị biến động có thể có những hàm ý cho mối quan hệ Mỹ-Nhật.

Đây là câu hỏi hóc búa cho ông Abe.

Cách cư xử của Nhà Trắng đang phá hoại các thể chế, quy tắc và chuẩn mực vốn hình thành nên nền tảng cho quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật sau Chiến tranh Thế giới 2. Đồng thời, các thể chế mới của thế kỷ 21, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Tiến bộ và Toàn diện, không muốn sử dụng các chiến thuật chính trị ngắn hạn, thiếu rõ ràng để đạt được các mục tiêu.

Đối với ông Abe, việc công khai chỉ trích mà không tham khảo ý kiến có thể làm tăng sự bất ổn hiện nay và khiến Nhật Bản gặp khó khăn hơn trong việc quản lý các vấn đề an ninh ở khu vực. Cho đến nay, chính quyền ông Abe phản ứng kiềm chế trước những chỉ trích của dân chúng đối với chính quyền Trump, đồng thời tìm cách làm sáng tỏ những mục đích của Mỹ thông qua các cuộc tham vấn, và làm rõ quan điểm của Nhật Bản và sự ủng hộ của nước này đối với quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật.

Nhật Bản cần làm việc phối hợp với Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên vì nước này đang nằm trong tầm bắn của các hệ thống tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Bình Nhưỡng. Hơn nữa, quỹ đạo phát triển của Triều Tiên cũng sẽ tác động đến an ninh của Nhật Bản. Nếu Bình Nhưỡng củng cố quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc thông qua cơ sở hạ tầng liên Triều, đây sẽ là tin xấu đối với Nhật Bản. Ba nước này có thể hình thành nhóm ba bên chống Nhật Bản, được kết nối thông qua cơ sở hạ tầng của sáng kiến "Vành đai và Con đường" và được tiếp sức bởi xuất khẩu năng lượng của Nga. Điều này sẽ khiến Nhật Bản bị cô lập tại khu vực và là mục tiêu cho ý đồ chính trị của nhóm chống Nhật Bản do Bắc Kinh lãnh đạo.

Nếu không có một liên minh Mỹ-Nhật ổn định được củng cố bởi những mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, Tokyo sẽ không thể đảm bảo rằng tiến trình phát triển của bán đảo Triều Tiên là có thể chấp nhận được đối với các lợi ích lâu dài của Nhật Bản. Điều này sẽ gợi lại những lo sợ trước kia về bán đảo Triều Tiên như “một con dao găm chĩa vào trái tim của Nhật Bản.”

Người ta có thể nói điều tương tự về sự cần thiết phải hợp tác ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Trong khi Nhật Bản hiện nay phải tránh những sự cố tiềm tàng liên quan quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), việc Trung Quốc mở rộng hoạt động của các hạm đội hải quân và tàu buôn sẽ lấn át khả năng của Nhật Bản trong việc đối phó với các chiến tranh pháp lý trong tương lai.

Việc mở rộng quan hệ đối tác chiến lược của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những sáng kiến quan trọng để gửi thông điệp đến Bắc Kinh rằng Tokyo sẽ làm việc với các đối tác để duy trì các lợi ích quốc gia của mình. Việc thuyết phục các nước lớn ngoài khu vực như Anh và Pháp tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung cũng như Canada và Australia điều tàu chiến đến khu vực để củng cố hơn nữa những nỗ lực của Tokyo trong việc thực thi luật pháp quốc tế và hành xử dựa trên luật lệ của tất cả các bên trong khu vực.

Cho dù có những đóng góp của các nước lớn ngoài khu vực, nhưng Mỹ vẫn có khả năng, kinh nghiệm và dấu ấn an ninh để tạo ra sự khác biệt thực sự ở khu vực này.

Nếu quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật không được củng cố, khái niệm mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhóm Bộ tứ và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Nhật Bản sẽ không còn chỗ đứng.

Do đó, ông Abe sẽ phải tìm mọi cách để củng cố vị thế mới của mình nhằm đem lại sự ổn định cho quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và quan hệ của ông với Trump. Ông có thể làm điều này bằng cách tăng cường hợp tác và trao quyền cho các thành viên của Nhóm Bộ tứ, đồng thời tích cực tìm kiếm những đối tác mới để có thể đem lại những lợi thế so sánh cho những thể chế non trẻ này.

Rõ ràng, mối lo ngại về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nhật Bản và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nổi lên. Trong chính sách “Nước Mỹ trước tiên,” tổng thống Trump dường như ưu tiên xác định lại đường hướng kinh tế đối với các mối quan hệ toàn diện lâu dài như được thể hiện trong quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật.

Tuy nhiên, Abe nên củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ bằng cách tìm kiếm nhiều biện pháp có ý nghĩa để tăng cường những đóng góp của Nhật Bản - chẳng hạn như thông qua các cuộc tập trận chung và các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Điều này sẽ giảm gánh nặng cho Mỹ và là những biện pháp hiệu quả để xoa dịu chính quyền Mỹ và cùng hướng tới một quan hệ tương trợ nhau về lĩnh vực kinh tế.

Tokyo có thể và nên củng cố vị thế của mình thông qua một biện pháp tiếp cận không đối đầu với Trump và tìm kiếm các biện pháp khác nhằm giảm bớt những bất bình đẳng về kinh tế, chẳng hạn như mua sắm nhiều vũ khí hơn, năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.

Vị trí địa lý, sức mạnh kinh tế và các mối quan hệ thể chế gần gũi của Nhật Bản với Mỹ tại nhiều cấp độ khác nhau giúp Tokyo là đối tác không thể thay thế của Washington. Abe cần làm nổi bật vai trò tích cực của mình trong giải quyết các vấn đề căng thẳng nhất của khu vực - từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho tới một siêu cường Trung Quốc đang nổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục