Nhật Bản: Đại dịch COVID-19 làm số vụ tự tử tăng trở lại ​

Trong những tháng trở lại đây, Nhật Bản chứng kiến số người tự tử gia tăng trong khi những lo lắng về đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động mạnh đến tâm lý và tình cảm của nhiều người.
Nhật Bản: Đại dịch COVID-19 làm số vụ tự tử tăng trở lại ​ ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 21/12/2020. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Trong những tháng trở lại đây, Nhật Bản chứng kiến số người tự tử gia tăng trong khi những lo lắng về đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động mạnh đến tâm lý và tình cảm của nhiều người.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhật Bản từ lâu đã nằm trong nhóm những nước phải đối mặt với tình trạng có số vụ tự tử nhiều nhất thế giới. Năm 2016, Nhật Bản có tỷ lệ tử vong do tự tử là 18,5/100.000 người, chỉ đứng sau Hàn Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương và gần gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu hằng năm là 10,6/100.000 người.

Tuy nhiên, trong vòng 10 năm tính đến năm 2019, số vụ tự tử ở Nhật Bản đã giảm, xuống khoảng 20.000 người vào năm ngoái - con số thấp nhất kể từ khi Bộ Y tế nước này bắt đầu lưu trữ dữ liệu này năm 1978.

[Nghị sỹ Nhật Bản đầu tiên tử vong vì dịch bệnh COVID-19]

Đại dịch COVID-19 dường như đã đảo ngược xu hướng trên. Số vụ tự tử trong 11 tháng đầu năm nay đã lên tới 19.225 người, gần bằng con số 20.169 người của cả năm 2019, trong đó đáng lo ngại là có thêm nhiều phụ nữ lựa chọn tự kết liễu cuộc đời mình. Theo dữ liệu của Cảnh sát quốc gia, đến trong tháng 10/2020, số phụ nữ tự sát tại Nhật Bản tăng 88,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Giám đốc đại diện của Trung tâm xúc tiến các biện pháp đối phó với vấn đề tự tử Nhật Bản, Yasuyuki Shimizu, những lo ngại hoặc những vấn đề phụ nữ thường gặp phải có xu hướng trầm trọng hơn trong thời đại dịch. Tỷ lệ tự tử ở nữ giới gia tăng do những yếu tố như các bệnh về tinh thần, những khó khăn tài chính và việc làm, trách nhiệm nuôi con và bạo lực gia đình.

Hiện nay, việc phụ nữ trở thành trụ cột chính trong gia đình đã trở nên phổ biến hơn. Nếu họ bị sa thải, hoặc không được gia hạn hợp đồng, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ mà còn cả gia đình họ.

Lo ngại trước tình hình trên, ông Shimizu cho rằng Chính phủ Nhật Bản nên cân nhắc nới lỏng các điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội, giúp người dân khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng cần thông tin rõ ràng hơn về hệ thống phúc lợi xã hội để những người có nhu cầu hiểu được hệ thống này hỗ trợ họ như thế nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục