Nhật Bản khởi động thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí

Nếu trở thành hiện thực, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí có thể là một sự thay đổi đáng kể đối với Nhật Bản, quốc gia từ lâu vẫn duy trì các điều kiện nghiêm ngặt về vấn đề này theo Hiến pháp.
Nhật Bản khởi động thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí ảnh 1Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phóng một quả tên lửa đất đối hạm. (Nguồn: GSDF)

Hãng Kyodo ngày 7/11 đưa tin liên minh cầm quyền Nhật Bản chuẩn bị khởi động tiến trình thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vì mục đích quốc phòng, trong đó có tên lửa đất đối không, đối với một số quốc gia có quan hệ an ninh chặt chẽ.

Theo các nguồn thạo tin, nếu trở thành hiện thực, bước đi này có thể là một sự thay đổi đáng kể đối với Nhật Bản, quốc gia từ lâu vẫn duy trì các điều kiện nghiêm ngặt về xuất khẩu vũ khí theo Hiến pháp từ bỏ chiến tranh vì lo ngại quyết định tham gia những hoạt động thương mại như vậy có nguy cơ khiến Tokyo rơi vào vòng xoáy xung đột quốc tế.

[Liên minh cầm quyền Nhật Bản thảo luận việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí]

Một nhóm các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác liên minh cấp dưới của đảng này là Đảng Công minh cũng sẽ cân nhắc khả năng cấp phép cho Nhật Bản xuất khẩu toàn bộ các thiết bị phòng thủ phi sát thương như áo chống đạn tới nhiều quốc gia hơn.

Nguồn tin tiết lộ các bên sẽ yêu cầu Chính phủ Nhật Bản sửa đổi “3 nguyên tắc” nghiêm ngặt về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng, cùng với các hướng dẫn thực hiện sau khi tóm tắt ý kiến từ các nhà lập pháp của họ vào đầu tháng 12/2023.

Ba nguyên tắc trên cấm xuất khẩu vũ khí sát thương, ngoại trừ những mặt hàng được phát triển hoặc sản xuất chung với các nước khác. Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida, người đứng đầu LDP, đã cố gắng nới lỏng 3 nguyên tắc này.

Đối với vũ khí phi sát thương, Nhật Bản có thể xuất khẩu sang các quốc gia có hợp tác an ninh với điều kiện mục đích sử dụng của chúng chỉ giới hạn trong hoạt động cứu hộ, vận chuyển, cảnh giác, giám sát hoặc quét mìn.

Nguồn tin nhấn mạnh liên minh cầm quyền dự kiến sẽ thảo luận về khả năng xuất khẩu tàu khu trục và máy bay tuần tra, nhằm mục đích tăng cường năng lực an ninh hàng hải cho những quốc gia nằm dọc theo các tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản.

Liên minh cầm quyền cũng cân nhắc khả năng xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo mà Nhật Bản, Anh và Italy đã nhất trí hợp tác phát triển để ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2035.

Trước đó, ngày 25/4, hai đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản, gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Fumio Kishida và đảng Công minh, đã tổ chức cuộc họp đầu tiên để rà soát lại các quy tắc về chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng trong bối cảnh ngày càng có nhiều thành viên trong LDP kêu gọi Tokyo cần đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, người đứng đầu Ban Nghiên cứu về an ninh quốc gia của LDP, bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận giữa hai đảng sẽ đưa ra hướng đi cụ thể cho các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao các thiết bị quốc phòng.

Kể từ khi ban hành 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí vào năm 2014, các doanh nghiệp Nhật Bản mới chỉ ký kết được 1 hợp đồng bán radar phòng không cho Philippines năm 2020.

Trong nội bộ chính phủ và đảng cầm quyền Nhật Bản có ý‎ kiến cho rằng cần mở rộng đối tác xuất khẩu vũ khí là các quốc gia có quan hệ tốt, có hợp tác về mặt phòng vệ với Nhật Bản, đồng thời bổ sung thêm mục đích xuất khẩu vũ khí là nhằm loại bỏ mìn và phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện.

Việc điều chỉnh 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí được chính phủ Nhật Bản đề cập trong Chiến lược An ninh Quốc gia thông qua tháng 12/2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục