Nhật Bản: LDP gồng mình trước “cơn lốc” DPJ

Ngay cả cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi cũng phải thừa nhận rằng LDP chưa bao giờ phải đối mặt với một cuộc bầu cử đầy khó khăn như hiện nay.
“Trước cuộc bầu cử Hạ viện, các cánh buồm trên con tàu của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đang căng gió. Luồng gió này mạnh hơn rất nhiều so với "cơn gió Koizumi" - người đã đưa con thuyền của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tới chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2005”.

Đó là nhận định của báo Yomiuri về xu hướng của cuộc tổng tuyển cử lần thứ 45 ở đất nước Mặt Trời mọc, dự kiến diễn ra vào ngày 30/8 tới. Ngay cả cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi cũng phải thừa nhận rằng LDP chưa bao giờ phải đối mặt với một cuộc bầu cử đầy khó khăn như hiện nay do “luồng gió chống lại LDP đang thổi quá mạnh”.

Theo chính trị gia lão luyện này, đó không chỉ là “cơn gió ngược mà còn là một cơn lốc xoáy” và LDP “có thể bị thổi đi xa”.

Hiện đa số người dân ở “xứ sở hoa anh đào”, đặc biệt là giới trẻ Nhật Bản, đều có chung tâm lý mong muốn có sự thay đổi trên chính trường do thất vọng trước hiệu quả hoạt động yếu kém của đảng cầm quyền trong những năm qua.

Trong cương lĩnh tranh cử, DPJ đã đưa ra hàng loạt cam kết nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của đất nước, chủ yếu tập trung vào 5 lĩnh vực gồm: loại bỏ hoàn toàn việc chi tiêu lãng phí tiền nộp thuế của người dân, tăng cường hoạt động giáo dục và nuôi dạy trẻ em, cải cách chế độ lương hưu và y tế, nâng cao quyền tự quản của các địa phương, nỗ lực tạo việc làm và giải quyết những khó khăn kinh tế.

Về chính sách đối ngoại, DPJ chủ trương thúc đẩy mối quan hệ ít phụ thuộc và “cân bằng hơn” với Mỹ - đồng minh then chốt của Nhật Bản, đồng thời dự định chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương.

Quan điểm này khác so với lập trường của LDP luôn coi quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là trụ cột trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Trong vấn đề Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, DPJ cũng chủ trương giữ quan điểm cứng rắn tương tự như LDP.

Ngoài ra, DPJ sẽ ủng hộ vai trò lớn hơn của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng châu Á và ủng hộ việc thành lập Cộng đồng Đông Á theo mô hình của Liên minh châu Âu (EU).

Trước những thách thức từ DPJ, Thủ tướng Taro Aso, đồng thời là Chủ tịch LDP, đã cảnh báo rằng sự thay đổi trong cán cân quyền lực “sẽ không đem lại một tương lai sáng lạn”.

Để chứng tỏ là đảng có năng lực điều hành đất nước, trong cương lĩnh tranh cử, LDP cam kết đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 2%/năm trong nửa cuối tài khóa 2010 và tăng thu nhập bình quân đầu người lên mức cao nhất trên thế giới trong vòng 10 năm tới.

LDP cũng đề cập khả năng tăng thuế tiêu dùng trong tương lai nhằm khuyếch trương hình ảnh của LDP như một đảng có trách nhiệm và có khả năng dẫn dắt đất nước tới sự phồn vinh.

Khi thời điểm cuộc bầu cử Hạ viện mang tính quyết định ở Nhật Bản đã cận kề, hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng ở nước sở tại đều dự báo một chiến thắng áp đảo của DPJ trước LDP.

Đảng cầm quyền có thể bị thất bại nặng nề không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các khu vực nông thôn, vốn là nền tảng quyền lực bầu cử truyền thống của LDP.

Nhiều khả năng DPJ sẽ trở thành chính đảng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản giành được hơn 2/3 số ghế tại Hạ viện.

Với thắng lợi đó, DPJ có thể tự quyết định mọi chính sách bởi phe đối lập, do DPJ đứng đầu, cũng đã giành quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử cuối tháng 7/2007.

Theo nhà phân tích chính trị Tsuneo Watanabe của Quỹ Tokyo, LDP khó có thể ngăn cản DPJ giành chiến thắng trong cuộc đua này.


Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể sẽ ở mức cao do đa số cử tri đều quan tâm tới cuộc bầu cử. Mặc dù vậy, việc nhiều cử tri đi bỏ phiếu có thể sẽ bất lợi đối với LDP vì cơ hội thắng cử của đảng này càng mờ mịt hơn do số phiếu ủng hộ DPJ sẽ càng lớn.

Tuy nhiên, dù LDP hay DPJ lên nắm quyền, chính sách của Nhật Bản đối với Việt Nam về cơ bản sẽ không thay đổi do sự gắn kết những lợi ích chung giữa hai nước.

Việt Nam vẫn sẽ là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản bởi vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ không ngừng được củng cố và phát triển, vì lợi ích của hai nước nói riêng, vì hòa bình và phát triển trong khu vực nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục