Nhật Bản ngày càng "lạc nhịp" với thế giới khi người dân tránh nói tiếng Anh?

Nhật Bản là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng đồng thời, nước này vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác về trình độ nói tiếng Anh của người dân.

Trình độ nói tiếng Anh của người Nhật Bản đứng sau Malawi và chỉ nhỉnh hơn Afghanistan một chút. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Trình độ nói tiếng Anh của người Nhật Bản đứng sau Malawi và chỉ nhỉnh hơn Afghanistan một chút. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Nhật Bản đang tụt hạng sâu hơn trên bảng xếp hạng quốc tế về trình độ nói tiếng Anh, sau khảo sát mới nhất của một công ty giáo dục Thụy Sĩ xếp quốc gia này đứng sau Malawi và chỉ nhỉnh hơn Afghanistan một chút.

Theo các chuyên gia, đó là một kết quả tồi tệ đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Cuộc khảo sát hằng năm do Tập đoàn Giáo dục Thụy Sĩ EF Education First thực hiện, đánh giá trình độ tiếng Anh của người dân ở 113 quốc gia không nói tiếng Anh trên khắp thế giới.

Hà Lan đứng đầu bảng xếp hạng năm nay, tiếp theo là Singapore, Áo, Đan Mạch và Na Uy.

Singapore là quốc gia châu Á có thứ hạng cao nhất khi chỉ xếp sau Hà Lan. Philippines đứng thứ 20, Malaysia xếp thứ 25, Hong Kong xếp thứ 29, Hàn Quốc xếp thứ 49, Trung Quốc là 82 và Việt Nam ở vị trí 58.

Nhật Bản được xếp ở vị trí thứ 87, giảm từ vị trí thứ 14 vào năm 2011, năm đầu tiên bảng xếp hạng được thành lập, mặc dù năm đó chỉ có 40 quốc gia được khảo sát.

Kể từ đó, Nhật Bản đã tụt hạng hàng năm và tiếp tục xu hướng đó vào năm 2023 khi tụt thêm 7 bậc so với năm ngoái. Điều đó khiến Nhật Bản đứng sau Malawi một bậc và hơn Afghanistan một bậc.

nhat-ban-7498.jpg
Nhật Bản trượt dài trên Bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh EF. (Nguồn: Nippon)

Báo cáo của EF Education First lưu ý: “Trình độ tiếng Anh của người trưởng thành đã suy giảm ở Đông Á trong bốn năm qua và ở Nhật Bản trong suốt một thập kỷ."

Các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch COVID-19 có thể là một nguyên nhân gây ra sự tụt hạng trên.

Eric Fior, chủ sở hữu người Pháp của một trường dạy tiếng Anh và tiếng Pháp ở Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, cho biết học sinh Nhật Bản không có đủ cơ hội để thực hành tiếng Anh khi đã nắm chắc kiến thức ngữ pháp sau các tiết học ở trường.

Ông nói với SCMP rằng: “Tại các trường học, đã có những nỗ lực cải thiện các lớp học tiếng Anh với việc tuyển thêm giáo viên bản ngữ, nhưng học sinh thường không có cơ hội thực sự sử dụng những gì mình đang học.”

Ông chỉ ra rằng giới trẻ Nhật Bản cũng có thể dè dặt trong việc nói tiếng Anh vì họ sợ sẽ nói sai, trong khi số lượng người ra nước ngoài học đại học trong những năm gần đây ngày càng ít.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã nhận thấy đây là một vấn đề cần phải khắc phục. Bộ giáo dục nước này đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ có 100.000 người Nhật ra nước ngoài du học mỗi năm.

Nhật Bản từng đạt con số kỷ lục là 115.146 người đi du học trong năm học 2018, nhưng con số đó đã giảm mạnh xuống còn 1.487 vào năm 2020. Nguyên nhân chính là do đại dịch COVID-19.

Kyle Cleveland, Giáo sư về văn hóa Nhật Bản tại cơ sở Tokyo của Đại học Temple, cho biết: “Theo nhiều cách, Nhật Bản vẫn là một quốc gia khá mâu thuẫn. Dù đây là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, có nền văn hóa tiên tiến và đang toàn cầu hóa nhanh chóng. Nhưng đồng thời, về cơ bản, nước này vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác."

Cleveland cho rằng "Hội chứng Galapagos" - một thuật ngữ đôi khi được sử dụng để mô tả việc Nhật Bản nhận thấy sự phát triển của mình không đồng bộ với phần còn lại của thế giới - đang có tác động đến việc sử dụng tiếng Anh, vốn vẫn là tiêu chuẩn toàn cầu cho kinh doanh, ngoại giao và các giao dịch xuyên biên giới khác.

Ông cho biết hội chứng này trước đây đã được thể hiện qua việc Nhật Bản từ chối cấp phép cho các loại thuốc đã được phê duyệt ở các thị trường khác trong nhiều thập kỷ.

Ông nói những ví dụ đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Nhật Bản. “Điều này đang ngăn cản nước này trở thành một quốc gia có ảnh hưởng và tiến bộ hơn," Cleveland nói.

Đối với một số người, khả năng giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh không phải là ưu tiên hàng đầu “bởi họ cảm thấy không cần thiết,” Cleveland cho biết.

Cleveland lưu ý rằng tiếng Nhật quá phức tạp nên rất ít người nước ngoài có thể sử dụng nó. Điều này khiến việc nhiều người Nhật có thể nói tiếng Anh trôi chảy trở nên quan trọng hơn.

Ông nói thêm: “Điều này có nghĩa là có sự mất kết nối cơ bản giữa Nhật Bản và thị trường toàn cầu hóa, khiến nó không đồng bộ với các quốc gia giàu có khác theo nhiều cách khác nhau."

Tìm hiểu về thuật ngữ "Hội chứng Galapagos"

Galapagos là một quần đảo gồm các hòn đảo núi lửa ở Thái Bình Dương. Nơi đây nổi tiếng vì sự cô lập cực độ, quốc gia gần nhất là Ecuador. Nhưng đây lại là địa điểm mà Charles Darwin đã nảy ra những ý tưởng dẫn đến công trình nghiên cứu làm nền tảng cho sự tiến hóa - Thuyết tiến hóa của Darwin. Ông tin rằng sự cô lập định hình sự phát triển và sự thích nghi xảy ra để đáp ứng nhu cầu của môi trường cụ thể.

Nhật Bản đã đóng góp và tiếp tục đóng góp nhiều phát minh tuyệt vời cho thế giới trong nhiều lĩnh vực. Nhưng đôi khi những ý tưởng của Nhật Bản gặp khó khăn khi cần đến sự đổi mới, điều này được gọi chung thành Hội chứng Galapagos.

Hội chứng Galapagos được sử dụng trong các nghiên cứu kinh doanh để chỉ một nhánh phát triển biệt lập của một sản phẩm có sẵn trên toàn cầu.

Trong kinh doanh, “Hội chứng Galapagos” đã trở thành một phép ẩn dụ được sử dụng để mô tả các sản phẩm, dịch vụ và thậm chí cả các quy trình đã phát triển tập trung vào một thị trường hoặc nền văn hóa duy nhất, khiến chúng trở nên khác biệt khi so sánh với phần còn lại của thế giới. Thuật ngữ này thường được sử dụng khi thảo luận về sự phát triển của các sản phẩm Nhật Bản trong hơn 30 năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục