"Di sản trong nguy hiểm": Trưng bày các kho báu khảo cổ từ Dải Gaza tại Geneva

Người phụ trách triển lãm cho biết: "Đó là một phần tâm hồn của Gaza. Thậm chí là bản sắc của Gaza. Di sản thực sự là lịch sử của dải đất này, lịch sử của những người sống ở đó."

Một vỉa hè khảm (thời kỳ Byzantine, năm 579 sau Công nguyên) được trưng bày trong một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử ở Geneva ngày 3/10/2024. (Nguồn: AFP/The Arab Weekly)
Một vỉa hè khảm (thời kỳ Byzantine, năm 579 sau Công nguyên) được trưng bày trong một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử ở Geneva ngày 3/10/2024. (Nguồn: AFP/The Arab Weekly)

Các kho báu khảo cổ từ Dải Gaza đang được trưng bày tại Geneva (Thụy Sĩ) trong khuôn khổ cuộc triển lãm được tổ chức để kỷ niệm 70 năm Công ước La Haye (Hague) năm 1954 về Bảo vệ Tài sản văn hóa trong trường hợp xung đột vũ trang.

Cuộc triển lãm mang tên "Di sản trong nguy hiểm," diễn ra từ ngày 5/10 đến ngày 9/2/2025 tại Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử (MAH), với 44 hiện vật được khai quật ở Gaza như các bình gốm, tượng nhỏ, bình hoa, đèn dầu… nằm trong bộ sưu tập hơn 530 hiện vật đã được lưu giữ trong các thùng chứa tại một nhà kho an toàn ở Geneva từ năm 2007, không thể trả lại Gaza.

Bên cạnh các hiện vật từ Gaza cũng có một số hiện vật từ các khu vực xung đột khác như Sudan, Syria và Libya.

Người phụ trách triển lãm, bà Beatrice Blandin cho biết: "Đó là một phần tâm hồn của Gaza. Thậm chí là bản sắc của Gaza. Di sản thực sự là lịch sử của dải đất này, lịch sử của những người sống ở đó."

Triển lãm cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các bảo tàng trong việc bảo vệ tài sản đó khỏi bị hư hại, cướp bóc và xung đột, nhắc nhở du khách rằng việc cố tình phá hủy di sản là tội ác chiến tranh.

Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết từ khi bùng phát xung đột Hamas-Israel tại Gaza, các địa điểm văn hóa trên lãnh thổ Palestine đã phải trả giá đắt.

UNESCO đã xác minh thiệt hại tại 69 địa điểm: 10 địa điểm tôn giáo, 43 tòa nhà có giá trị lịch sử và/hoặc nghệ thuật, hai kho lưu trữ tài sản văn hóa di động, sáu di tích, một bảo tàng và bảy địa điểm khảo cổ.

Viện bảo tàng MAH cho biết vào thời điểm di sản văn hóa Palestine "là nạn nhân của sự phá hủy chưa từng có, giá trị di sản của các đồ vật Gaza được lưu giữ tại Geneva dường như lớn hơn bao giờ hết."

Một số đồ vật thuộc về Chính quyền Palestine (PA), phần còn lại thuộc về doanh nhân người Palestine, ông Jawdat Khoudary, nhưng sau đó ông đã trao quyền sở hữu cho Chính quyền Palestine vào năm 2018.

Những hiện vật này, gợi lên cuộc sống thường nhật từ Thời đại đồ đồng đến thời Ottoman, đã đến Geneva vào năm 2006 để trưng bày tại triển lãm "Gaza tại Ngã tư của các nền văn minh," do Tổng thống Palestine Mahmud Abbas khai mạc.

Chúng được cho là sẽ hình thành nền tảng của một bảo tàng khảo cổ học sẽ được xây dựng tại Gaza. Hiện các hiện vật này đang ở Geneva trong 17 năm qua. Các điều kiện để chúng được trả lại an toàn chưa bao giờ được đáp ứng.

Sau một thỏa thuận hợp tác mới được ký kết vào tháng 9/2023 giữa Chính quyền Palestine và thành phố Geneva, thành phố này đã cam kết bảo quản và gìn giữ các hiện vật trong thời gian cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục