Nhật Bản đau buồn

Nhật Bản tang tóc vì mất nhiều công dân ở Algeria

Nhật Bản xác nhận 7 công dân đã thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin ở Algeria, tổn thất lớn nhất của nước này từ sau vụ 11/9.
Nhật Bản ngày 22/1 đã bắt đầu hoạt động tưởng niệm các nạn nhân trong vụ bắt cóc con tin ở Algeria, tổn thất sinh mạng lớn nhất của Nhật tại nước ngoài kể từ sau vụ khủng bố 11/9. Báo chí Nhật Bản tràn ngập một bầu không khí tang tóc pha lẫn tức giận khi có ít nhất 7 công dân nước này thiệt mạng, 3 người khác hiện vẫn đang mất tích. Theo thông báo từ chính phủ Algeria, ít nhất 37 con tin nước ngoài thiệt mạng trong vụ việc kéo dài 4 ngày thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Một chiếc máy bay của Chính phủ Nhật Bản đã rời nước này vào cuối ngày 22/1 để tới Algeria. Bộ Ngoại giao nói rằng máy bay sẽ đưa các công dân Nhật còn sống trở về vào ngày 24/1, cũng như thi thể của các nạn nhân bị sát hại. Tất cả đều là nhân viên hoặc nhà thầu cho công ty kỹ thuật JGC của Nhật. "Chúng tôi đã mất quá nhiều nhân viên. Tôi không biết phải nói thế nào nữa. Chuyện này thật không thể chịu đựng nổi" - phát ngôn viên JGC Takeshi Endo nói khi ông cố gắng nén những tiếng nấc nghẹn. Các câu chuyện liên quan tới từng con tin đã xuất hiện và càng khiến dư luận Nhật Bản tức giận. Một trong số những người thiệt mạng là một kỹ sư 66 tuổi, tức đã tới tuổi về hưu và hiếm khi được điều ra nước ngoài làm việc, nhưng vẫn bị JGC chuyển tới Algeria. Rokuro Fuchida, 66 tuổi, là một trong những người Nhật Bản đã có nhiều năm làm việc ở nước ngoài. Viên kỹ sư của JGC tin rằng công việc của ông tại Algeria đã hoàn tất trong năm ngoái, khi ông trở về Nhật để mừng Năm mới với gia đình và bạn bè. Tuy nhiên người thân cho biết ông đã bị điều trở lại Algeria để sửa lỗi ở một dự án, chỉ vài ngày trước khi các chiến binh bắt đầu cuộc bắt cóc con tin vào thứ Tư tuần trước. Trước khi ra đi, Fuchida đã viết một cách phấn khích về nhiệm vụ của ông trên Facebook. "Tiếp theo, tôi sẽ có mặt ở Algeria, tại châu Phi, để được ngắm bầu trời đầy sao!". Nhưng như một thân nhân nói với tờ Asahi rằng nếu như Fuchida không trở lại Algeria, ông đã không rơi vào tình huống phải mất mạng. Tăng cường hoạt động tình báo Trong bối cảnh đó, báo chí Nhật đã yêu cầu Tokyo tăng cường hoạt động tình báo, tham gia tích cực vào các cuộc khủng hoảng con tin với nhiều nước đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các cuộc tấn công của Hồi giáo cực đoan như Anh và Mỹ. Tờ Nikkei nói rằng chính quyền Nhật Bản nên tăng cường nỗ lực bảo vệ các công dân làm việc ở những nơi đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế đói năng lượng của nước này. "Có quá nhiều thứ để Nhật Bản có thể làm để thu thập thông tin ở châu Phi. Chúng ta nên cân nhắc việc lập ra một cấu trúc, trong đó các nước liên quan có thể chia sẻ thông tin một cách hiệu quả. Nhưng cùng lúc, chúng ta phải triển khai các biện pháp và phương thức giải cứu công dân Nhật Bản trong tình huống xảy ra các trường hợp khẩn cấp" - tờ báo viết. Tờ Mainichi cũng có chung quan điểm, kêu gọi tăng cường hoạt động tình báo và hợp tác với các đồng minh của Nhật Bản. "Các biện pháp của chính quyền Nhật Bản trong việc xử lý với vụ khủng hoảng đã diễn ra muộn, bởi thông tin cần thiết để quản lý khủng hoảng đã không tới kịp" - tờ báo viết.
Nhật Bản tang tóc vì mất nhiều công dân ở Algeria ảnh 1
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cắt ngắn lịch trình chuyến thăm Đông Nam Á để về nước chỉ đạo vụ giải cứu con tin ở Algeria (Nguồn: Jiji Press/AFP)
Người Nhật thi thoảng trở thành nạn nhân của các hành động khủng bố trên thế giới. Nhưng do không có liên quan nhiều về hoạt động quân sự trong các cuộc chiến ở thế giới Hồi giáo, nước này đã ít dính phải các đòn trả đũa. Con số người thiệt mạng ở Algeria là lớn nhất, kể từ khi các tay khủng bố lao máy bay vào tòa tháp đôi WTC ở New York, làm hơn 2.700 người thiệt mạng, gồm 24 người Nhật. Tờ Mainichi cảnh báo rằng thanh niên Nhật Bản đang tìm kiếm sự nghiệp ở nước ngoài, đang làm các công việc có vai trò thiết yếu với sự thịnh vượng của đất nước, có thể sẽ trở nên sợ hãi do ảnh hưởng từ vụ bắt con tin như ở Algeria. Một nghiên cứu sinh 24 tuổi tại trường đại học Keio phát biểu trên tờ Mainichi rằng anh đã từng tìm cơ hội làm việc ở khu vực châu Phi. "Tôi đã từng tin rằng người dân Trung Đông thân thiện với người Nhật và tôi tưởng rằng người Nhật sẽ an toàn hơn người phương Tây"- anh nói - "Nhưng chuyện này khiến tôi lo lắng."
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục