Nhật Bản thâm hụt thương mại kỷ lục

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 1/2009 là 952,6 tỷ yên (9,9 tỷ USD), mức lớn nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiến hành thống kê về tình hình xuất nhập khẩu vào tháng 1/1979.

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 1/2009 là 952,6 tỷ yên (9,9 tỷ USD), mức lớn nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiến hành thống kê về tình hình xuất nhập khẩu vào tháng 1/1979.

Theo công bố ngày 25/2 của Bộ Tài chính Nhật Bản, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu ôtô và phụ tùng ôtô, thiết bị bán dẫn và điện tử giảm mạnh, Nhật Bản tiếp tục bị thâm hụt thương mại tháng thứ 4 liên tiếp.

Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản chỉ đạt 3.482,6 tỷ yên, giảm 45,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể tháng 1/1980, khi Bộ Tài chính bắt đầu công bố thông tin về sự thay đổi trong kim ngạch xuất khẩu.
 
Theo Bộ Tài chính, xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường Mỹ trong tháng 1 giảm gần 53%, khiến thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ giảm 75,3%, mức giảm lớn nhất trong 23 năm qua. Xuất khẩu của Nhật Bản sang các nước Liên minh châu Âu cũng giảm 47% .
 
Cán cân thương mại của Nhật Bản với các nước còn lại ở khu vực châu Á bị thâm hụt lần đầu tiên trong 3 năm qua, với mức thâm hụt lên tới 430,1 tỷ yên, cao nhất trong lịch sử. Riêng với Trung Quốc, Nhật Bản bị thâm hụt thương mại tới 562,7 tỷ yên.
 
Trong khi đó, đồng yên của Nhật Bản tiếp tục rớt giá so với USD do đồng tiền này không còn là chỗ dựa an toàn cho các nhà đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng tài chính.
 
Ngày 24/2, tỷ giá giữa đồng yên và USD tăng 2% lên mức 95,86 yên/USD, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2008. Vào giữa tháng 12/2008, tỷ giá giữa đồng yên và USD đã tụt xuống mức thấp kỷ lục 87,11 yên/USD.
 
Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản thừa nhận nền kinh tế nước này đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại chiến Thế giới II, theo đó trong quý IV/2008, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã bị giảm 12,7%, tốc độ suy thoái cao nhất trong vòng gần 35 năm qua.
 
Các chuyên gia phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào thời điểm nền kinh tế Nhật Bản đang trong quá trình phục hồi sau một thập kỷ trì trệ, và sự phục hồi đó phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, vì vậy Nhật Bản đã trở thành một trong những nạn nhân lớn nhất của khủng hoảng./.

(TTXVN/Vietnam+)
 
 

Tin cùng chuyên mục