Nhật Bản thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng nhiệt hạch

Nhật Bản lập dự thảo chiến lược năng lượng nhiệt hạch quốc gia đầu tiên vào tháng 4/2023 và mong muốn thúc đẩy thành lập các cơ sở công nghiệp, chuỗi cung ứng, công nghệ cốt lõi.

Lò phản ứng nhiệt hạch JT-60SA tại Naka, Nhật Bản. (Ảnh: AFP)
Lò phản ứng nhiệt hạch JT-60SA tại Naka, Nhật Bản. (Ảnh: AFP)

Theo Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập một tổ chức bảo trợ cho ngành công nghiệp điện nhiệt hạch vào tháng 3/2024.

Động thái nhằm đẩy nhanh quá trình thương mại hóa nguồn năng lượng quan trọng đối với Nhật Bản trong quá trình khử carbon và đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.

Tổ chức mới dự kiến được đặt tên là “Diễn đàn Năng lượng Nhiệt hạch,” tập hợp các công ty từ khu vực tư nhân, chính phủ và giới học thuật để phát triển công nghệ và các kênh bán hàng nhằm thương mại hóa sản phẩm.

Hiện tại, các doanh nghiệp tham gia bao gồm các công ty kỹ thuật như IHI, JGC Holdings, Obayashi, tập đoàn năng lượng Inpex và các công ty khởi nghiệp như Kyoto Fusioneering và EX-Fusion, cùng với các nhà sản xuất vật liệu và kinh doanh.

Chính phủ sẽ tiếp tục tập hợp thêm các doanh nghiệp thành viên cho đến khi chính thức ra mắt Diễn đàn.

Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tìm ra nhu cầu công nghệ của ngành, kết hợp bí quyết và nguồn lực của các thành viên để tăng tốc độ phát triển, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho Chính phủ Nhật Bản về các quy định an toàn và tiêu chuẩn công nghệ.

Diễn đàn cũng sẽ đại diện cho khu vực tư nhân của Nhật Bản trong ngành công nghiệp nhiệt hạch, đảm nhiệm vai trò xử lý các mối quan hệ đối tác với các công ty và chính phủ nước ngoài trong các lĩnh vực như công nghệ vật liệu, một trong những thế mạnh của Nhật Bản.

Ngoài ra, Diễn đàn cũng sẽ đóng vai trò là đầu mối liên lạc cho các dự án kinh doanh của Nhật Bản ở nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp hướng tới thương mại hóa năng lượng nhiệt hạch vào những năm 2030.

Phản ứng nhiệt hạch hay phản ứng tổng hợp hạt nhân có thể tạo ra lượng điện năng khổng lồ từ một lượng nhiên liệu nhỏ mà không phát thải carbon dioxide hoặc chất thải phóng xạ ở mức độ cao.

Bên cạnh đó, không giống như các cơ sở hạt nhân phân hạch phải được giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa tai nạn có thể giải phóng bức xạ nguy hiểm, các phản ứng nhiệt hạch sẽ nhanh chóng ngừng hoạt động nếu không duy trì được các điều kiện cần thiết.

Mỹ và châu Âu đang nỗ lực phát triển năng lượng nhiệt hạch, và nếu được thương mại hóa thành công, nguồn năng lượng này cũng là một lựa chọn quan trọng đối với một đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản.

Nhật Bản là một thành viên của dự án “Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế” (ITER) và đặt mục tiêu sử dụng kết quả của dự án để xây dựng một lò phản ứng nguyên mẫu có thể hoạt động vào năm 2050.

Chính phủ nước này đã dự thảo chiến lược năng lượng nhiệt hạch quốc gia đầu tiên vào tháng 4/2023 và mong muốn thúc đẩy việc thành lập cơ sở công nghiệp, chuỗi cung ứng và công nghệ cốt lõi cho đến khi dự án thành công.

Mặc dù quá trình thương mại hóa năng lượng nhiệt hạch vẫn còn là chặng đường dài nhưng các công nghệ liên quan có thể được áp dụng trong các ngành công nghiệp khác.

Điển hình là MiRESSO - công ty khởi nghiệp do Viện Khoa học và Công nghệ Lượng tử Quốc gia Nhật Bản thành lập tháng 5/2023 hiện sở hữu công nghệ tinh chế berili - một nguyên tố cần thiết cho năng lượng nhiệt hạch nhưng cũng có thể áp dụng với các kim loại hữu ích khác như niken.

Tháng 10 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp hỗ trợ cho MiRESSO và ba công ty liên quan đến nhiệt hạch khác thông qua chương trình đổi mới doanh nghiệp nhỏ.

Chính phủ kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều công ty tham gia, một phần là để đưa công nghệ trong ngành này đến các ngành công nghiệp khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục