Mỹ: Đột phá trong nghiên cứu sản xuất năng lượng phản ứng nhiệt hạch

Nhóm chuyên gia Mỹ vừa đạt được bước đột phá trong việc tạo ra một lượng lớn năng lượng từ phản ứng tổng hợp hạt nhân, hứa hẹn về một nguồn năng lượng sạch mới trong tương lai.
Mỹ: Đột phá trong nghiên cứu sản xuất năng lượng phản ứng nhiệt hạch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: nytimes.com)

Ngày 17/8, các nhà khoa học hạt nhân Mỹ cho biết họ đã sử dụng laser quy mô tương đương diện tích 3 sân bóng đá và tạo ra lượng lớn năng lượng từ phản ứng nhiệt hạch.

Kết quả này có thể đem lại hy vọng phát triển một nguồn năng lượng sạch mới trong tương lai.

Nhóm chuyên gia đã tiến hành thí nghiệm tại một cơ sở ở California trong tháng Tám này. Theo đó, họ tập trung chiếu gần 200 tia laser vào một điểm nhỏ để tạo ra một vụ nổ năng lượng lớn gấp 8 lần so với các vụ nổ từng được tạo ra trước đây.

Mặc dù nguồn năng lượng này chỉ tồn tại trong một thời gian cực ngắn - 100 phần nghìn tỷ giây, nhưng kết quả thử nghiệm đã đưa các nhà khoa học tiến gần hơn đến điểm đánh lửa của phản ứng nhiệt hạch - thời điểm năng lượng được tạo ra nhiều hơn năng lượng sử dụng trong phản ứng.

Phản ứng tổng hợp hạt nhân hay phản ứng nhiệt hạch là quá trình 2 hạt nhân nguyên tử trở lên hợp lại với nhau để tạo nên một hạt nhân mới nặng hơn. Cùng với quá trình này là sự giải phóng năng lượng hay hấp thụ năng lượng tùy thuộc khối lượng của hạt nhân tham gia.

[Khí hydro xanh "gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn than đá"]

Trong thí nghiệm trên, các nhà khoa học đã kết hợp 2 đồng vị hydro để tạo ra khí heli. Quá trình này xảy ra tương tự ở các ngôi sao, trong đó có Mặt Trời.

Một số nhà khoa học coi phản ứng nhiệt hạch là nguồn năng lượng tiềm năng trong tương lai bởi quá trình tạo ra năng lượng ít chất thải và không tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Bà Kim Budil, Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore - đơn vị quản lý cơ sở tiến hành thí nghiệm nói trên - cùng với một số chuyên gia khác đánh giá kết quả thí nghiệm "là một bước tiến lịch sử trong nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch."

Tuy nhiên, đồng Giám đốc trung tâm nghiên cứu lĩnh vực này thuộc trường Imperial College London, ông Jeremy Chittenden cho rằng để biến nguồn năng lượng nhiệt hạch trên thành năng lượng tái tạo có thể sử dụng được trong tương lai là điều không dễ dàng, đòi hỏi quá trình lâu dài và phải khắc phục được nhiều vấn đề kỹ thuật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục