Trang mạng nbr.org vừa có bài viết nhận định rằng nhu cầu năng lượng tại Đông Nam Á ngày càng tăng, trong khi nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và phát thải CO2 cũng trở nên rõ ràng hơn.
Quá trình chuyển đổi năng lượng trong thời gian tới tại khu vực Mekong là rất quan trọng, đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh, khả năng chống chịu và tính bền vững của tiểu vùng.
Sự chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch và bền vững không chỉ mang tính cấp bách đối với tăng trưởng mà ngày càng trở thành một điều kiện bảo đảm an ninh quốc gia.
Vấn đề an ninh năng lượng ở Đông Nam Á là nhu cầu bức thiết của các quốc gia hạ nguồn Mekong (Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam), vốn đều là các nước đang phát triển, dân số trẻ, đô thị hóa nhanh. An ninh năng lượng quyết định năng lực công nghiệp và kinh tế và cũng là yếu tố thể hiện khả năng chống chịu của các quốc gia.
Các nước hạ nguồn Mekong không phải là bên tiếp nhận thụ động các sáng kiến và ngân sách từ bên ngoài. Một vài quốc gia đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong định hình an ninh năng lượng của khu vực, nhưng họ cần thể hiện sự minh bạch và trách nhiệm. Các cường quốc bên ngoài có thể hỗ trợ tiểu vùng sông Mekong đạt được các mục tiêu năng lượng, đặc biệt là các nỗ lực khác ngoài thủy điện.
Đồng bằng sông Mekong được coi là vựa lúa của Đông Nam Á, bản thân sông Mekong là nền tảng cho các nền kinh tế của khu vực. Các tác động môi trường của Mekong không chỉ được cảm nhận ở các nước Đông Nam Á mà còn ảnh hưởng đến thị trường lương thực toàn cầu, nhất là về gạo và thủy sản. Các đập thủy điện làm thay đổi điều kiện tự nhiên của dòng phù sa, giảm lượng cá lưu chuyển và giảm sự màu mỡ của vùng châu thổ.
Từ năm 1990-2015, sản xuất điện tại tiểu vùng Mekong tăng 8,2%/năm, gấp đôi tăng trưởng của 10 nước ASEAN và gấp 3 lần tốc độ của thế giới. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục, xét đến nhu cầu năng lượng tại Mekong sẽ tăng 66% đến năm 2040. Suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 càng làm phức tạp thêm các chiến lược năng lượng nhằm đảm bảo sự bền vững của hệ sinh thái.
Do hạ tầng năng lượng phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, nên các công nghệ, chất lượng, tiêu chuẩn, kế hoạch và vị trí địa lý của các dự án cũng phụ thuộc vào các nhà đầu tư này. Những nhân tố đó có thể gây ra rủi ro cho an ninh năng lượng cũng như khả năng chống chịu của các nước Mekong.
Cạnh tranh nước lớn đã thu hút sự chú ý vào Mekong, giúp tăng đầu tư vào khu vực và nâng cao khả năng thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài nguyên và năng lượng. Song điều này cũng đặt ra thách thức mới về ngoại giao, chiến lược và chính trị cho các nước Mekong.
Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và chia sẻ sông Mekong với các nước láng giềng nhỏ hơn. Theo một nghiên cứu, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ước tăng 90% đến năm 2040, lên mức tương đương với mức tiêu thụ hiện nay của cả Mỹ và Trung Quốc cộng lại. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc không lo ngại về nguy cơ thiếu hụt năng lượng, nước này vẫn đầu tư vào thủy điện tại các nước láng giềng.
Đầu tư của Trung Quốc vào đường sắt và thủy điện thành công nhất tại Lào, nơi mà FDI của Trung Quốc chiếm 80%, song cũng khiến Lào nợ Trung Quốc tới 47% GDP. Bất kỳ sự trì hoãn nào trong quá trình triển khai các dự án sẽ làm gia tăng chi phí và hạn chế khả năng thu lợi từ dự án.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Lào buộc phải vay thêm tiền từ Trung Quốc. Lào cũng cố gắng bù đắp sự phụ thuộc vào các khoản vay của Trung Quốc bằng các khoản đầu tư từ Việt Nam và Thái Lan. Các đập thủy điện không chỉ là vấn đề chiến lược an ninh năng lượng, mà còn mang hàm ý về địa chính trị.
Các chiến lược năng lượng của tiểu vùng Mekong vẫn còn rời rạc và do các nước quyết định độc lập, dù thực tế là các chiến lược này phần lớn tập trung vào thủy điện và do đó dựa vào nguồn tài nguyên chung là sông Mekong. Việc các nước do dự trong việc thiết lập chính sách năng lượng chung đã dần làm giảm ảnh hưởng của Ủy ban sông Mekong (MRC) và tạo ra không gian rộng hơn cho các chủ thể và nhà tài trợ khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Thủy điện vẫn sẽ là nguồn năng lượng chủ yếu, nhất là với các nước Đông Nam Á lục địa. Myanmar, Campuchia... đều có các con sông lớn bắt nguồn từ dãy Himalaya và hơn 50% điện được sản xuất là thủy điện. Lào hầu như chỉ dựa vào thủy điện.
Việc triển khai các sáng kiến như Lưới điện ASEAN (APG) hay Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng năm 2014 chậm hơn dự kiến. Các sáng kiến này chủ yếu được thực hiện theo cơ chế song phương hơn là đa phương, do sự phức tạp trong quản trị năng lượng của khu vực.
Hơn thế, sự đa dạng của các nền kinh tế khu vực cũng được phản ánh trong chính trị năng lượng khu vực. Các nước kém phát triển hơn về kinh tế như Lào, Campuchia và Myanmar vẫn là các nhà xuất khẩu năng lượng, trong khi các nước phát triển hơn như Singapore, Thái Lan, Malaysia chủ yếu là các nhà nhập khẩu.
Ví dụ, Lào đã đặt cược nền kinh tế của mình vào thủy điện. Bất chấp các chỉ trích trong nước và quan ngại từ bên ngoài, Lào đã xây dựng và lên kế hoạch xây dựng nhiều đập thủy điện, không chỉ tạo ra vấn đề môi trường mà còn phải tái định cư các cộng đồng. Các tính toán cho thấy Lào chỉ có thể thu được khoảng 700 triệu USD trong 50 năm tới từ xuất khẩu thủy điện.
Chất lượng xây dựng kém, các dự án vội vã, điều kiện tự nhiên tại các hiện trường, tất cả tạo ra các rủi ro tràn đập do lũ lụt hoặc sai sót về cấu trúc. Ngoài thiệt hại về người, sự cố với đập còn có thể dẫn đến mất năng lực sản xuất điện, gây ra tình trạng đứt gãy sâu rộng trong mạng lưới hạ tầng điện và các vấn đề về nguồn cung, khiến an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Campuchia và Myanmar cũng đang cho thấy xu hướng phát triển thủy điện. Trong khi đó, xu hướng thu hẹp lại được ghi nhận tại Thái Lan và Việt Nam. Mặc dù Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thủy điện, song kế hoạch phát triển điện mới nhất cho thấy số lượng đập thủy điện sẽ giảm. Thái Lan tiếp tục đầu tư vào các dự án thủy điện tại các nước láng giềng, dù chỉ cỡ nhỏ.
Bản chất sự can dự của các nước lớn tại vùng châu thổ sông Mekong có nhiều khác biệt quan trọng. Nhật Bản đầu tư vào nhiều dự án năng lượng tái tạo cỡ lớn, bao gồm thủy điện. Hàn Quốc cũng bắt đầu đầu tư vào một số nước chọn lọc. Sự tham gia của Mỹ chỉ giới hạn trong các vấn đề liên quan đến cơ chế quản trị, tính bền vững và an ninh con người.
Mỹ đã nâng cấp Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) thành Quan hệ đối tác Mỹ - Mekong năm 2020, cùng Nhật Bản, Australia công bố sáng kiến Blue Dot (Chấm Xanh) cung cấp hạ tầng chất lượng cao để tạo lựa chọn thay thế cho sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Trong khu vực tư nhân, General Electric (Mỹ) đã hỗ trợ các công ty Việt Nam xây dựng các dự án điện gió bằng cách cung cấp các turbine lớn nhất tại châu Á.
[Đề xuất một số giải pháp cho hợp tác Lan Thương-Mekong]
Đông Nam Á không cần thêm sản xuất thủy điện mà khu vực này cần nguồn năng lượng tái tạo rẻ hơn, an toàn hơn và xanh hơn. Ví dụ như Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu của dân số trẻ và đô thị hóa, đến năm 2030, Việt Nam dự báo cần nguồn năng lượng ít nhất là gấp 3 lần hiện nay. Các lựa chọn của nước này là nhập khẩu điện và dựa vào điện than. Điện than không được ưa chuộng do ô nhiễm không khí, trong khi nhập khẩu năng lượng như thủy điện thì lại khiến hoạt động khai thác trên sông Mekong gia tăng. Đây là điều mà Việt Nam, nước hạ nguồn xa nhất, luôn muốn tránh.
Do đó, Việt Nam chọn một phương án hỗn hợp gồm điện Mặt Trời, điện gió và sinh khối. Nhân tố hàng đầu quyết định thay đổi này là nhận thức và cam kết của chính phủ đối với an ninh năng lượng, kết hợp với nhu cầu cộng đồng ngày càng cao về bảo vệ môi trường.
Trong năm 2020, Việt Nam đã lắp đặt hệ thống quang điện mái nhà có công suất 9.000 MW, nhiều hơn công suất thủy điện mà Lào đã xây dựng trong 15 năm qua.
Nhiều cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc đã nhận thức rằng tiểu vùng Mekong rất quan trọng đối với việc duy trì khả năng chống chịu của khu vực Đông Nam Á. Nhiều phân tích chỉ ra rằng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước ngoài khu vực là động lực cho phát triển hạ tầng ở tiểu vùng Mekong. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự phát triển này được định hướng bởi bản thân các nước Mekong, phối hợp với các thể chế đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA).
Hơn nữa, nhu cầu hạ tầng năng lượng ngày càng tăng của các nước Mekong là động lực cho cạnh tranh chiến lược trong khu vực giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước khác. Hạ tầng năng lượng chất lượng cao là điều cấp bách đối với các nước Mekong, nơi mà an ninh năng lượng là nền tảng cho an ninh quốc gia.
Xét đến tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, khu vực này cần chuyển đổi nhanh chóng sang các chiến lược năng lượng bền vững hơn. Ngoài nguồn đầu tư ổn định vào năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, cam kết chính trị của các nước Mekong là điều kiện tiên quyết./.