Nhật - Hàn nhất trí cải thiện quan hệ song phương

Chuyến thăm 5 ngày của phái đoàn Hàn Quốc đến Nhật Bản dự kiến kéo dài đế trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yoel ngày 10/5, đem lại kỳ vọng lạc quan cho quan hệ giữa hai nước.
Nhật - Hàn nhất trí cải thiện quan hệ song phương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: koreaherald.com)

Ngày 26/4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tiếp phái đoàn của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm nước này.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai nước nỗ lực cải thiện quan hệ song phương vốn đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua do các vấn đề thời chiến.

Theo hãng tin Kyodo, trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, phái đoàn Hàn Quốc đã có cuộc làm việc với Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi cùng các quan chức phụ trách chính sách công nghiệp và quốc phòng nước chủ nhà, trong đó hai bên nhất trí nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.

[Mỹ chưa quyết định về cuộc hội đàm ngoại trưởng 3 bên với Hàn, Nhật]

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Kishida cho rằng hợp tác chiến lược giữa Tokyo và Seoul trong giai đoạn hiện nay là cần thiết hơn bao giờ hết. Ông nhấn mạnh hai nước cần giải quyết các vấn đề liên quan tới thời gian cai trị thuộc địa của Nhật Bản.

Trong khi đó, trao đổi với báo giới, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsumo khẳng định:"Chúng tôi sẽ liên lạc chặt chẽ với chính quyền mới của Hàn Quốc."

Chuyến thăm 5 ngày của phái đoàn Hàn Quốc đến Nhật Bản dự kiến kéo dài đến 28/4, trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yoel ngày 10/5, đem lại lạc quan rằng quan hệ giữa hai nước có thể cải thiện trong thời gian tới. Trước đó, nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc đã kêu gọi cách tiếp cận "hướng đến tương lai" trong quan hệ song phương. 

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Moon Jae-in, quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã xấu đi do những tranh chấp liên quan đến các vấn đề nổi cộm như lao động cưỡng bức và vấn đề phụ nữ mua vui trong thời chiến.

Ngoài ra, hai nước từ lâu đã tranh chấp nhóm đảo nhỏ do Seoul kiểm soát và gọi là Dokdo nhưng Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima. Hồi tháng 7/2019, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu vật liệu bán dẫn sang Hàn Quốc.

  Căng thẳng cũng gia tăng trong lĩnh vực quân sự sau sự cố hồi tháng 12/2018, khi Tokyo cáo buộc hải quân Hàn Quốc bật radar điều khiển hỏa lực và khóa mục tiêu một máy bay tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục