Nhật thông qua gói kích thích kinh tế cao kỷ lục tới 108.000 tỷ yen

Gói kích thích kinh tế khẩn cấp này có quy mô gần gấp đôi so với gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 56.800 tỷ yen mà Nhật Bản đã thông qua sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhật thông qua gói kích thích kinh tế cao kỷ lục tới 108.000 tỷ yen ảnh 1Kiểm đồng yen tại một ngân hàng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/4, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp có tổng trị giá lên tới 108.000 tỷ yen (tương đương 989 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, gói kích thích kinh tế khẩn cấp này có quy mô gần gấp đôi so với gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 56.800 tỷ yen mà chính quyền nước này đã thông qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tương đương gần 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết gói kích thích kinh tế này bao gồm các biện pháp tài chính có tổng trị giá 39.000 tỷ yen, trong đó có 6.000 tỷ yen cho chương trình trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt tới các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ; và 26.000 tỷ yen cho chương trình hoãn nộp tiền thuế và an sinh xã hội cho các doanh nghiệp.

Thái Lan "bơm" thêm 58 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế

Cùng ngày, Nội các Thái Lan thông qua gói kích thích kinh tế thứ 3 trị giá 1.900 tỷ baht (khoảng 58 tỷ USD) nhằm giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp nội các, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết loạt các biện pháp kích thích kinh tế này bao gồm 3 sắc lệnh khẩn cấp.

Sắc lệnh thứ nhất chuyển 80-100 tỷ baht tới ngân sách trung ương để sử dụng làm các quỹ kích thích. Sắc lệnh thứ hai cho phép Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) sử dụng tới 900 tỷ baht cho các chương trình thúc đẩy nền kinh tế.

[Thái Lan hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19]

Sắc lệnh thứ ba cho phép Bộ Tài chính vay tới 1.000 tỷ baht, trong đó 600 tỷ baht sẽ được sử dụng để phân phát tiền cho người lao động và dùng cho y tế công cộng, và 400 tỷ baht sẽ được chi cho các biện pháp khôi phục kinh tế.

Ngoài ra, theo Thủ tướng Prayut, sẽ có thêm 80-100 tỷ baht sau khi tái cơ cấu ngân sách của các cơ quan chính phủ. Ông nhấn mạnh dịch COVID-19 hiện là vấn đề số một của quốc gia.

Trong khi đó, BoT sẽ dành 500 tỷ baht cho vay với lãi suất 2% để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), với các dòng tín dụng lên tới 500 triệu baht.

BoT cũng chỉ thị cho các ngân hàng thương mại và các thể chế tài chính của chính phủ cho phép các SME có số nợ không vượt quá 100 triệu baht được hoãn trả nợ gốc và lãi trong 6 tháng.

Hiện Thái Lan đã ghi nhận thêm 38 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 1 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 2.258 và 27 người đã tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận trong một ngày ở Thái Lan giảm xuống mức 2 con số.

Theo người phát ngôn Trung tâm Quản lý dịch bệnh COVID-19, bác sỹ Taweesin Visanuyothin, số các ca nhiễm mới giảm rõ ràng là nhờ lệnh giới nghiêm từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau áp dụng từ ngày 3/4 vừa qua.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cách nào để xác định chính xác số lượng các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng và tốc độ lây lan của virus vì cũng giống như nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ người được xét nghiệm trong dân số là không nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục