Ngày 14/9, các quan chức cấp cao phụ trách vấn đề biển của Nhật Bản và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc đàm phán kéo dài hai ngày nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố bất ngờ trên biển Hoa Đông.
Cuộc đàm phán được tổ chức tại thành phố Hiroshima, miền Tây Nhật Bản, trong bối cảnh căng thẳng leo thang quanh quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Trọng tâm đàm phán là thúc đẩy việc triển khai "cơ chế liên lạc trên biển và trên không" giữa các quan chức quốc phòng hai nước nhằm ngăn chặn những tính toán sai có thể dẫn tới xung đột trên biển Hoa Đông.
Hai bên cũng thảo luận khả năng tái khởi động đàm phán về hoạt động cùng khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông mà hai nước đã nhất trí năm 2008 song bị đình trệ vì căng thẳng trong các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.
Tại cuộc gặp hồi đầu tháng ở Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tổ chức cuộc đàm phán trên với sự tham dự của các quan chức ngoại giao, quốc phòng cấp cao và các quan chức thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước.
Cơ chế đàm phán về biển Trung-Nhật đã được khởi động từ năm 2012 nhằm xây dựng lòng tin giữa các quan chức cấp cao hai nước phụ trách các vấn đề biển. Đây là cuộc đàm phán lần thứ 5.
Cuộc đàm phán gần đây nhất đã diễn ra vào tháng 12/2015 tại Trung Quốc./.