“Đốt ngọn lửa thiêng đêm nay ta thắp lên những ước mơ. Đêm trăng cao nguyên như huyền thoại. Tiếng trống, tiếng chiêng ngân xa, thúc giục đàn trai, đàn gái nhảy quanh ngọn lửa. Ngọn lửa thiêng sẽ sáng mãi, hô la hố la hố… Cha dạy cho em không run sợ, hô la hố la hố. Ngọn lửa cho ta cả sức sống mới, núi cao suối reo ta hát câu ân tình. Mẹ may cho em áo váy mới, hố la hố….” Tiếng hát của đôi trai gái hòa lẫn tiếng nổ lách tách và ánh sáng bập bùng ma quái trong đêm như mời gọi những bước chân lữ khách về trong đêm hội nhảy lửa (hay còn gọi là lễ hội cầu lửa) ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, Hà Giang. Đặc sắc văn hóa tâm linh Lễ hội nhảy lửa là lễ mừng cơm mới của người dân tộc Pà Thẻn, thường được tổ chức sau mỗi vụ mùa vào khoảng trung tuần tháng 10 âm lịch hàng năm. Nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc và huyền bí của người Pà Thẻn này mấy năm gần đây mới được lãnh đạo địa phương quan tâm đầu tư khôi phục, trở thành điểm hẹn của sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày xuân. “Lễ hội nhảy lửa không chỉ là dịp để dân bản vui chơi mà ý nghĩa quan trọng hơn là cầu cho cả bản làng khỏe mạnh, đuổi hết tà mà, tà khí, giải hết hạn và chúc cho dân bản năm mới may mắn, hạnh phúc,” thầy cúng Sìn Văn Phong vừa sắp đồ lễ vừa nói. Mâm cỗ gồm một bát to gạo sống, một chai rượu với năm chén (trước dùng trà), giấy rơm của dân tộc Pà Thẻn, giấy bạc một màu, một con gà trống, bó hương... được chuẩn bị hai tiếng trước khi thực hiện các nghi lễ để đội quân binh nhảy vào đống lửa.
Thầy cúng trước giờ làm lễ - Ảnh: An An
Gần chục thanh niên khỏe mạnh trong đội quân nhảy lửa ngồi đối diện thầy cúng. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn nến, thầy Sìn Văn Phong đều đều gõ nhịp đàn và lẩm bẩm đọc bài cúng. Hai khối củi lớn chất sẵn được nhóm lên khi thầy cúng ra hiệu lệnh. Đống lửa cháy bừng bừng trong đêm lan tỏa sức nóng vào đám đông ngạc nhiên à, ồ thích thú. Khi ngọn lửa cuối cùng phụt tắt, chỉ còn lại đống than đỏ rực cũng là lúc đội quân binh được quân thần nhập lăn xả vào. Những trai làng trong bộ sắc phục truyền thống cứ thế lao chân trần lên than hồng nóng bỏng. Chốc chốc, cả đám đông lại ồ lên reo hò trước những bước nhảy lửa điệu nghệ. Dư âm nhảy lửa... Anh chàng du khách Pháp Wittner Fabrice thích thú xuýt xoa: “Tuyệt quá! Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và tôi thấy thật may mắn vì có mặt ở lễ hội đêm nay. Tôi chỉ tình cờ đến đây để chụp ảnh và không ngờ được xem lễ hội độc đáo này. Ở đất nước chúng tôi có lễ hội mùa xuân nhỏ và chúng tôi chỉ đi vòng quanh đống lửa chứ không có ai nhảy vào lửa như thế cả. Họ nhảy thế mà không bị bỏng, thật lạ.” Nhiều thanh niên từ trong đám đông cũng lao vào nhảy lửa nhưng lập tức phải bỏ cuộc vì bỏng. “Mình nhảy lửa từ lâu rồi. Mọi người được thầy cúng niệm chú nhập vào thì không bị bỏng đâu. Lúc đã vào nhảy lửa là không còn biết gì và nhớ gì nữa. Đang ngồi tự dưng nhảy vào. Nhảy xong một lát là tỉnh thôi, chân chả làm sao,” anh Lừu Văn Tân, một trong những quân binh nói. Bởi, như thầy cúng lý giải, nếu nhập chưa đến lúc người nhảy vào sẽ bỏng ngay. Người nhập là khi họ thấy đống lửa than cháy to chỉ còn nhỏ như ánh đèn, bước vào chỉ như đi trên nước, đến khi thấy nóng sẽ có người đẩy ra khỏi đống lửa. Đội quân binh mê mải nhảy cho đến khi đống than nguội lạnh và thầy cúng làm lễ thu quân về. Dư âm của đêm nhảy lửa tưng bừng sắc màu cùng sự thích thú của người xem dường như vẫn lẩn quất đâu đó trong hoang sơ của núi rừng. Bà con dân bản rí rích hẹn gặp ở lần nhảy lửa sau. Và nỗ lực bảo tồn Người Pà Thẻn vẫn giữ được lễ hội nhảy lửa độc đáo đến ngày nay cũng là nhờ chính quyền địa phương quan tâm đầu tư khôi phục và chỉ đạo tổ chức bài bản, quy mô. Có lẽ vì thế, không chỉ có người Pà Thẻn mà rất đông các dân tộc khác sinh sống trêm địa bàn huyện cũng tới tham gia lễ hội. Chủ tịch huyện Quang Bình Triệu Tài Phong cho hay, huyện này muốn xây dựng và lưu truyền văn hóa đặc sắc của người Pà Thẻn để làm hồ sơ hướng tới được xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia... “Thông qua các lễ hội lớn của huyện, chúng tôi yêu cầu các xã tham gia lễ hội nhảy lửa sao cho 12 dân tộc sống trên địa bàn đều biết về lễ hội này. Họ cần được biết nét đặc sắc, độc đáo và giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình cũng như các dân tộc khác,” ông Phong nói. Với những nỗ lực của chính quyền cũng như người dân địa phương trong việc khôi phục và bảo tồn nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc như vậy, có lẽ trong tương lai không xa, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn sẽ được đông đảo hơn du khách trong và ngoài nước biết đến, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng ở Hà Giang./.
Xuân Mai (Vietnam+)