Nhà văn hóa thôn Quyết Thắng, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên được hoàn thành năm 2017. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Nhà văn hóa thôn Quyết Thắng, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên được hoàn thành năm 2017. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Đi tìm lời giải cho bài toán xóa ‘vùng trắng’ thiết chế văn hóa cơ sở (Bài 1)

Trăn trở nỗi lo thiếu nhà văn hóa nơi cực Tây Tổ quốc

Hiện nay, số lượng nhà văn hóa thôn bản còn thiếu hụt, đòi hỏi các cấp ngành nỗ lực nhiều hơn nữa để hình thành những nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Lời tòa soạn:

Đại hội XIII của Đảng đã quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong 5 năm (2021-2025), trong đó đưa ra những đường lối rất cụ thể để triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Các chủ trương, chính sách của Đảng yêu cầu kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại, nâng cao đời sống văn hoá của Nhân dân; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền của đất nước.

Chính từ chủ trương đó mà Đảng bộ, chính quyền địa phương tỉnh Điện Biên đã khắc phục nhiều trở ngại để xây dựng văn hóa cơ sở, bắt đầu từ việc hình thành những thiết chế văn hóa ngay tại thôn bản, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Điện Biên là nơi hội tụ nhiều dân tộc với tiếng nói, văn hóa khác nhau; có địa hình chia cắt bởi nhiều đồi núi; ngân sách địa phương hạn hẹp; điều kiện kinh tế, nguồn lực trong dân hạn chế. Do đó, việc xây dựng đời sống văn hóa, hình thành văn hóa cơ sở đã gặp muôn vàn khó khăn.

Thế nhưng, trong cái khó lại “ló” sáng kiến, những “nhà văn hóa trưởng bản” ra đời, giải quyết tạm thời nơi sinh hoạt cộng đồng. Căn cơ hơn, các chi bộ, chi ủy đã đề đạt giải pháp lên các cấp để huy động nguồn lực xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở kiểu mới, từ đó có thể tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng một cách hiệu quả, từng bước xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, thắt chặt tình đoàn kết giữa dân cư trong cộng đồng các dân tộc anh em.

Đảng ủy, chính quyền địa phương và người dân đã và đang chung tay, góp sức nhân rộng những ngôi nhà chung của cộng đồng, theo đúng chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm.”

“Điện Biên một thủa đạn bay lửa hờn” đã trở thành một vùng đất tươi đẹp, trù phú, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử và trải nghiệm văn hóa đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em. Để có được hình ảnh Điện Biên ngày nay, những thiết chế văn hóa cơ sở đã góp phần không nhỏ. Và, đây cũng là hình ảnh của nhiều địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, theo thống kê của ngành văn hóa, tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có trung tâm văn hoá-thể thao hoặc nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá-thể thao, đạt tỷ lệ 77,4% trong đó có 5.625 đạt chuẩn (tỷ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp... có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 76,3% trong đó có 44.836 đạt chuẩn (tỷ lệ 49,5%).

Nhìn vào con số trên, có thể thấy số lượng nhà văn hóa thôn bản còn thiếu hụt, đòi hỏi các cấp ngành nỗ lực nhiều hơn nữa để hình thành những nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Báo Điện tử VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu loạt bài “Đi tìm lời giải cho bài toán xóa ‘vùng trắng’ thiết chế văn hóa cơ sở” để cùng độc giả nhìn lại quá trình hình thành những nhà văn hóa thôn bản nơi “lòng chảo” Tây Bắc cũng như những quyết sách, khuyến nghị... để tiến tới xóa “vùng trắng” nhà văn hóa ở các địa phương.

longhay.jpg
Các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng diễn ra tập trung tại nhà riêng của trưởng bản ở Điện Biên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 1: Trăn trở nỗi lo thiếu nhà văn hóa nơi cực Tây Tổ quốc

Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem lại cuộc sống “no cơm ấm áo” cho người dân Điện Biên, xây dựng mảnh đất chiến trường xưa “bom cày đạn xới” thành một tỉnh có kinh tế phát triển khá của vùng Tây Bắc.

Do địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, nhiều nơi lại giáp biên giới, nên các thiết chế văn hóa cơ sở được xem như “cánh tay nối dài” của chính quyền đến người dân, là “trạm thu phát sóng” để tuyên truyền các chủ trương chính sách mới.

Việc nhiều thôn bản ở Điện Biên chưa được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, dẫn đến công tác tuyên truyền, các hoạt động văn hóa văn nghệ, học tập, sinh hoạt cộng đồng đều bị hạn chế.

Khó khăn bủa vây nhà văn hóa ở vùng khó

Theo Tiến sỹ Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, thiết chế văn hóa cơ sở là nơi tổ chức hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa thông tin do chính quyền và nhân dân cơ sở tạo lập nên, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt chung của cộng đồng nhằm xây dựng nền tảng chính trị, tư tưởng để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự đoàn kết giữa Đảng, Chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, bảo đảm thực hiện quy chế dân chủ để cùng tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương. Thiết chế văn hóa cơ sở có chức năng giáo dục văn hóa ngoài nhà trường, nâng cao dân trí, góp phần phát triển dân sinh, dân chủ ở cơ sở.

Theo đó, nhà văn hóa thôn, làng, bản có chức năng, nhiệm vụ là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức khoa học, kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn thôn, làng, khu phố; đóng góp tích cực vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường sự đoàn kết gắn bó cộng đồng, góp phần cải thiện đời sống, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 1/2001) đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2005 cả nước có 78% xã, phường có nhà văn hóa, đó chính là điểm tựa vật chất, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc nâng cao đời sống tinh thần ở cơ sở.

Căn cứ vào định hướng của Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước, hướng dẫn tiêu chí cụ thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khoá VIII) của Đảng, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã hướng mọi hoạt động văn hóa thông tin về cơ sở, xác định rõ xã, phường, làng, bản, cụm dân cư là đơn vị cần tăng cường xây dựng các thiết chế về văn hóa.

Đặt câu hỏi cho một số trưởng bản: “Vậy trẻ em vui chơi, sinh hoạt Hè, đọc sách ở đâu?” phóng viên chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Ấy vậy mà ở nhiều thôn bản ở Điện Biên, người dân vẫn đang “đỏ mắt” chờ nhà văn hóa. Trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có hơn 50% thôn bản có nhà văn hóa được xây dựng với mô hình “Nhà nước và Nhân dân cùng làm.”

Theo ghi nhận của phóng viên, số thôn bản còn lại đang duy trì hình thức “nhà văn hóa trưởng bản” tức là các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng diễn ra tập trung tại nhà riêng của trưởng bản. Đặt câu hỏi cho một số trưởng bản: “Vậy trẻ em vui chơi, sinh hoạt Hè, đọc sách ở đâu?” phóng viên chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho hay trên địa bàn tỉnh có 10/10 nhà văn hóa cấp huyện (đạt tỷ lệ 100%); 102/129 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 79,07%); 783/1.445 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố (đạt tỷ lệ 54,2%).

vna_potal_dien_bien_cuoc_song_moi_cua_dong_bao_dan_toc_cong_o_ban_la_cha_073121705_5152335.jpg
Nhà văn hóa thôn bản có đóng góp tích cực vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường sự đoàn kết gắn bó cộng đồng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 70% thôn bản (riêng ở khu vực miền núi là 50%) có nhà văn hóa-khu thể thao. Như vậy, đến nay tỉnh Điện Biên đã rất nỗ lực để đạt chỉ tiêu về thiết chế văn hóa cơ sở. Song, thực tế, kinh phí vận hành, quản lý nhà văn hóa rất hạn chế, chủ yếu là do nhân dân tự đóng góp, nên trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ, rất khó khăn trong quá trình tổ chức các hoạt động.

Ngoài ra, việc khai thác tổ chức và phát huy hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản còn hạn chế, nội dung, phương thức hoạt động còn nghèo nàn; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ; có những đơn vị được trang bị nhưng do điều kiện khí hậu, điều kiện sử dụng, phải vận chuyển phục vụ ở địa bàn miền núi đi lại khó khăn nên nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tổ chức hoạt động chưa thực sự thường xuyên, nội dung và hình thức thiếu phong phú. Kinh phí tổ chức hoạt động còn eo hẹp, chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự phát huy hết công năng sử dụng.

Đội ngũ cán bộ tuy đã được nâng lên về chất lượng, những vẫn còn nhiều bất cập về năng lực, chuyên môn (nhất là đội ngũ cán bộ cấp xã). Do đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở.

Quỹ đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực xã, thôn, bản. Chính quyền tại một số nơi chưa thực sự quan tâm và có biện pháp hỗ trợ các thôn, bản, tổ dân phố tổ chức, triển khai các hoạt động nhằm phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Thế nhưng, trong cái khó ấy, nhiều nơi ở Điện Biên đã “ló” những sáng kiến để việc sinh hoạt văn hóa ở thôn bản vẫn diễn ra đều đặn.

Từ cái khó… ló sáng kiến

Nắng tháng tư xuyên qua những tấm ván gỗ ghép lại của nhà anh Cứ A Lềnh, Trưởng bản Lọng Háy (xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ). Hơi nóng ngày Hè phả từ mái tôn xuống khiến không gian chưa đầy 50m2 này nóng hầm hập. Đây cũng là nơi được “trưng dụng” để làm nhà hội họp của 86 hộ dân Lọng Háy: Từ sinh hoạt chi bộ, họp hội phụ nữ cho đến những buổi tuyên truyền chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới...

longhay3.jpg
Nhà văn hóa trưởng bản được xem là "kế" tạm thời khi chưa có nhà văn hóa ở những nơi còn khó khăn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hôm chúng tôi tới, Trưởng bản họp các hộ dân để phổ biến chương trình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh Lềnh thống nhất với bà con việc chủ động quét dọn vệ sinh nhà cửa và tham gia các công việc chung của xã vì Mường Phăng là “địa chỉ đỏ” thu hút nhiều khách tham quan “về nguồn” trong dịp này.

Mọi người ghép 4 tấm chiếu lại, quây quần giữa nhà để ngồi họp. Gian phòng ngủ của gia đình anh Thềnh được quây tạm lại bằng một tấm rèm. Hai chiếc quạt điện chạy hết công suất cũng không làm dịu được không khí oi bức. Ai nấy vừa họp vừa tiện tay cầm giấy tờ, tài liệu quạt liên hồi.

“Bản Lọng Háy chưa có nhà văn hóa để sinh hoạt nên có việc gì cần hội họp, tôi lại mời bà con đến nhà mình. Nhiều lúc cũng rất bất tiện nhưng vì cơ sở vật chất địa phương chưa đáp ứng được nên trưởng bản cũng đành phải linh hoạt. Mọi người vẫn gọi vui là ‘nhà văn hóa trưởng bản’,” anh Thềnh nói.

Mô hình này hiện đang khá phổ biến tại nhiều thôn bản tỉnh Điện Biên. Khi ngân sách, nguồn lực chưa đáp ứng được việc “phủ sóng” nhà văn hóa đến từng thôn bản thì đây có thể xem là một giải pháp tạm thời. Song, về lâu về dài thì “nhà văn hóa trưởng bản” này lại có nhiều hạn chế.

longhay4.jpg
Buổi sinh hoạt hội phụ nữ bản Lọng Háy diễn ra trong không gian của nhà trưởng bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Anh Cầm Văn Thái, Trưởng bản Phăng 2, xã Mường Phăng chỉ cho chúng tôi xem “hội trường bản” - gian phòng khách chừng 60 mét vuông tại căn nhà sàn của mình. Nhiều năm nay, đây là nơi diễn ra phần lớn các hoạt động của bản.

Anh Thái cho hay mọi hoạt động từ họp bản, họp chi bộ, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập luyện văn nghệ, cho đến các cuộc sơ kết, tổng kết và liên hoan đều diễn ra tại nhà trưởng bản hoặc nhà của bí thư chi bộ.

“Không gian nhỏ hẹp, sức chứa ít, mỗi khi có việc chung của bản, tôi phải đi mượn thêm chiếu nhà hàng xóm, có khi mọi người phải ngồi tràn ra cả phía ngoài bậc thang,” anh Thái kể.

Theo lời anh, vì chật hẹp như vậy nên đối với một số cuộc họp, trưởng bản chỉ có thể mời đại diện các gia đình đến dự. Không phải ai cũng có khả năng truyền đạt lại đầy đủ cho các thành viên trong gia đình do đó khi thực hiện, mọi người thường gặp khó khăn, lúng túng.

Chẳng hạn như các nội dung về chủ trương, chính sách quản lý rừng; triển khai làm căn cước công dân, định danh điện tử... đã gặp một số vướng mắc vì công tác tuyên truyền bị hạn chế.

Việc thiếu nhà văn hóa khiến công tác tổ chức các hoạt động cộng đồng gặp nhiều khó khăn, dù có trưng dụng “nhà văn hóa trưởng bản” thì cũng chỉ là giải pháp tình thế, địa phương vẫn cần phải đi tìm giải pháp căn cơ hơn để giải quyết vấn đề thiếu nhà văn hóa.

CA9A0207.JPG
Ông Hoàng Trung Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng cho rằng "nhà văn hóa trưởng bản" chỉ là giải pháp tình thế. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo ông Hoàng Trung Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng, sáng kiến “nhà văn hóa trưởng bản” đã phát huy hiệu quả tại các thôn bản chưa có nhà văn hóa, song xuất phát từ nhu cầu thực tế, đa số người dân đều mong bản mình được đầu tư xây dựng nhà văn hóa.

Ông Thành cho hay các địa bàn phải đối mặt với hai khó khăn rất lớn, đó là thiếu quỹ đất và nguồn kinh phí. Trước thực trạng đó, các địa phương đã thống nhất giải pháp xã hội hóa nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa bản. Ngoài kinh phí do Nhà nước cấp, địa phương huy động người dân cùng doanh nghiệp đóng góp, kêu gọi sự hỗ trợ của các phòng, ban và vận động các nhà hảo tâm.

“Mường Phăng là một xã thuần nông, việc xã hội hóa còn gặp nhiều trở ngại. Chúng tôi đã kiến nghị với thành phố Điện Biên Phủ. Lãnh đạo thành phố chủ trương là các xã, phường có điều kiện phát triển hơn cũng sẽ chung tay hỗ trợ cho các xã còn nhiều khó khăn,” ông Thành cho biết./.

Mời độc giả xem toàn bộ loạt bài:

- Bài 1: Trăn trở nỗi lo thiếu nhà văn hóa nơi cực Tây Tổ quốc

- Bài 2: Xây nhà văn hóa thôn bản: Đảng viên đi trước, dân cất bước theo sau

- Bài 3: Để thiết chế văn hóa cơ sở luôn đồng hành cùng đời sống Nhân dân

longhay2.jpg
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục