Nhiều chính đảng ở Hàn Quốc hối thúc thông qua thỏa thuận liên Triều

Đảng Dân chủ cầm quyền và một số đảng nhỏ theo đường lối tự do tại Hàn Quốc cùng kêu gọi quốc hội nước này nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liền Triều hồi tháng Tư.
Nhiều chính đảng ở Hàn Quốc hối thúc thông qua thỏa thuận liên Triều ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trước phiên họp ở quốc hội. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đảng Dân chủ (DP) cầm quyền và một số đảng nhỏ theo đường lối tự do tại Hàn Quốc ngày 8/10 đã cùng kêu gọi quốc hội nước này nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liền Triều hồi tháng Tư vừa qua, hay còn gọi là Tuyên bố chung Panmunjom, vốn đang bị treo và vấp phải sự phản đối của các đảng bảo thủ đối lập.

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo các đảng DP cầm quyền, đảng vì Dân chủ và Hòa bình, và đảng Công lý đã đề nghị sự hợp tác lưỡng viện quốc hội để thông qua văn kiện trên, tạo điều kiện cho việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị trên bán đảo Triều Tiên.

Các nhà lập pháp nhấn mạnh lãnh đạo hai miền đã tái khẳng định cam kết xây dựng hòa bình thông qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 trong năm nay tại Bình Nhưỡng vừa qua sau khi hai bên cùng nhất trí thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong sự kiện tương tự diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom hồi tháng Tư.

Tuyên bố đồng thời nhấn mạnh tuy lãnh đạo hai miền đã có thiện chí, song Quốc hội Hàn Quốc vẫn chưa khởi động tiến trình phê chuẩn thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Tư, và đã đến lúc cơ quan lập pháp này cần hành động cho việc triển khai các thỏa thuận thượng đỉnh hồi tháng Tư và tháng Chín, nhờ đó hỗ trợ thiết lập nền tảng hòa bình và cùng thịnh vượng giữa hai miền Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kỳ vọng rằng việc quốc hội nước này thông qua các thỏa thuận đạt được với Triều Tiên tại các hội nghị thượng đỉnh sẽ giúp những văn kiện này tồn tại đến những nhiệm kỳ tổng thống kế nhiệm ông.

Hai thỏa thuận thượng đỉnh mà Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí hồi năm 2000 và 2007 đã không được sự nhất trí của Quốc hội Hàn Quốc, dẫn tới việc triển khai những văn kiện này gặp cản trở dưới thời các chính phủ bảo thủ.

Việc thúc đẩy Tuyên bố chung Panmunjom không phải điều dễ dàng bởi trước khi được đưa ra bỏ phiếu tại một phiên họp toàn thể của Quốc hội Hàn Quốc, văn kiện này cần phải được thông qua tại Ủy ban đối ngoại và thống nhất của nước này, nơi hai chính đảng đối lập là đảng Hàn Quốc Tự do và đảng Bareunmirae nhỏ chiếm đa số, và những đảng này nắm tới 142 trong tổng số 299 ghế trong Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục