Nhiều cựu nghị sỹ Mỹ lo ngại về nguy cơ khủng hoảng Hiến pháp

Các cựu nghị Mỹ đang lo ngại các cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cả Tổng thống Mỹ 2016 của công tố viên đặc biệt Robert Mueller và Hạ viện khóa mới có thể tạo ra những sóng ngầm chính trị bất ổn.
Nhiều cựu nghị sỹ Mỹ lo ngại về nguy cơ khủng hoảng Hiến pháp ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Công tố viên đặc biệt Robert Mueller (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng cộng 44 người từng là thượng nghị sỹ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ đã cảnh báo về “một cuộc khủng hoảng Hiến pháp” và những mối đe dọa đối với nền dân chủ nước này dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trong số những người này có một số nhân vật có uy tín trong đảng Dân chủ như Bill Bradley, John Kerry cùng một số đảng viên đảng Cộng hòa như Ben Nighthorse Campbell và Richard Lugar.

Trong bài viết trên tờ Washington Post đăng ngày 10/12, các cựu nghị sỹ đã đề cập tới nhiều sự việc như công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành điều tra liệu ông Trump có cấu kết với Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 hay không và Hạ viện khóa mới do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát bắt đầu mở các cuộc điều tra liên quan tạo nên những sóng ngầm chính trị bất ổn.

Những cựu nghị sỹ này cho rằng tình trạng này là một “cuộc khủng hoảng Hiến pháp.” 

Bài viết có đoạn: “Chúng tôi cùng chung nhận định rằng nước Mỹ đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm và chúng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm lên tiếng về những thách thức nghiêm trọng đối với nền pháp trị, Hiến pháp, các cơ quan công quyền và an ninh quốc gia của chúng ta.”

Các cựu nghị sỹ cảnh báo Mỹ đang ở “điểm uốn,” nơi các nguyên tắc cơ bản về dân chủ và lợi ích an ninh quốc gia bị đe dọa, đồng thời nhấn mạnh cần duy trì nền pháp trị cũng như khả năng hoạt động độc lập của các thể chế.

Song song với đó, họ cũng đánh giá sự hợp tác giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đã giảm sút trong thời gian ông Trump cầm quyền.

['14 cộng sự của ông Trump có quan hệ với Nga trong cuộc bầu cử 2016']

Các cựu nghị sỹ cho rằng cách thức các nghị sỹ ở cả hai viện của Quốc hội xử lý các cuộc khủng hoảng sẽ là "chìa khóa" để nước Mỹ giải quyết những vướng mắc của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên này.

Từ lâu, giới chức Mỹ luôn cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, điều mà Moskva luôn bác bỏ.

Bản thân ông Trump cũng phủ nhận mọi cáo buộc đồng lõa với người Nga, đồng thời tố cáo các công tố viên của ông Mueller gây sức ép với các cựu trợ lý của mình để nói dối về ông, chiến dịch tranh cử của ông và các thỏa thuận kinh doanh của ông.

Ông cáo buộc các nhà điều tra liên bang và các quan chức cấp cao Mỹ đang xung đột lợi ích, và không đưa ra một bằng chứng thuyết phục nào.

Ngày 8/12 vừa qua, Tổng thống Trump cho biết các công tố viên của Mỹ đã không phát hiện được bất cứ bằng chứng nào về cáo buộc ông đồng lõa với Nga, sau khi tiến hành cuộc điều tra kéo dài và tốn kém về các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục