Nhiều điểm còn băn khoăn trong dự thảo hướng dẫn thi hành Luật đầu tư

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư cần chỉnh sửa lại để thu hút hoạt động đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư. (Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)
Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư. (Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định về việc áp dụng, kiểm soát, công bố điều kiện đầu tư kinh doanh, các biện pháp bảo đảm đầu tư kinh doanh, các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh…

Nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản cũng như quyền và lợi ích của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Nghị định này, ngày 19/11.

Chưa hướng dẫn những vấn đề cấp thiết

Đóng góp cho dự thảo, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự, chỉ ra Điều 20 của Luật quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt và giao “Chính phủ quy định chi tiết Điều này,” song nội dung này chưa được hướng dẫn tại dự thảo. Theo vị luật sư này, nội dung trên cần thiết phải có hướng dẫn thi hành sớm để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn (trong và ngoài nước) tham gia thực hiện các dự án trọng điểm, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội.

Trước đó, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng nêu rõ phải: “Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu-phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.” 

[Thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ]

“Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển, biến động theo hướng có lợi cho Việt Nam thì việc chậm trễ hướng dẫn cụ thể vấn đề này sẽ làm giảm khả năng thu hút hoạt động đầu tư của các tập đoàn lớn, hay đầu tư vào hoạt động có hàm lượng tri thức cao,” luật sư Quang nhấn mạnh.

Với nội dung ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiến sỹ khoa học Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam kiến nghị cần quy định rõ hơn về các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được thực hiện ở Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia trong Dự thảo. Theo ông, quy định rõ nhằm khoanh vùng cụ thể đối tượng được hưởng ưu đãi và tránh được tình trạng Nghị định hướng dẫn đưa ra các đối tượng mở, phụ thuộc vào các văn bản pháp lý khác mà không rõ loại văn bản nào được quy định này.

Một điểm nhấn quan trọng: “Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư” có đặt ra trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý Nhà nước về đầu tư. Tuy nhiên, luật sư Quang lại không thấy bất kỳ một điều khoản nào tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn cụ thể về điều này. Và, ông cho rằng việc không quy định nội dung trên tại Dự thảo Nghị định sẽ làm chậm lại quá trình xây dựng cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế trong khi nguy cơ về xảy ra các tranh chấp đầu tư quốc tế ngày một gia tăng.

“Như vậy, dự thảo Nghị định mới chỉ tập trung nhiều vào việc cải thiện công tác quản lý Nhà nước về đầu tư mà chưa quy định hay hướng dẫn những vấn đề cấp thiết đối với hoạt động đầu tư để tạo ra một môi trường đầu tư có tính cạnh tranh, ổn định, công bằng và an toàn cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài,” ông Quang chỉ ra.

Dự thảo làm rõ nguyên tắc áp dụng

Với các nhà đầu tư nước ngoài, các quy định về ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường thu hút được sự quan tâm và đóng góp ý kiến.

Ông Koji Ito, Phó tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam băn khoăn về nội dung của Điều 15 quy định nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư vào các ngành, nghề chưa được thể tiếp cận thị trường. Trong đó nêu, đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện-nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường khác với điều kiện áp dụng đối với đầu tư trong nước theo quy định tại Luật.

Theo ông Koji Ito, với nội dung này, dự thảo cần làm rõ nguyên tắc áp dụng khi đầu tư kinh doanh một ngành nghề vừa thuộc danh mục tiếp cận thị trường có điều kiện, vừa thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện.

Đại diện của Honda chỉ ra quy định tại Luật đầu tư 2020 cũng như tại dự thảo đều chưa làm rõ, phân biệt được nguyên tắc áp dụng của hai danh  mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện và ngành mục nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hơn thế nữa, nhiều quy định về điều kiện tiếp cận thị trường và các điều kiện đầu tư-kinh vừa doanh tại các văn bản chuyên ngành hiện nay cũng chưa thật sự rõ ràng.

“Theo đó, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn do không điều xác định được ngành, nghề nào có điều kiện tiếp cận thị trường, ngành, nghề nào có điều kiện đầu tư-kinh doanh trong quá trình hoạt động… Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng cần được rà soát điều chính để thể hiện rõ tinh thần cua Luật đầu tư 2020 đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và rà soát,” ông Koji Ito nhấn mạnh.

Về điều này, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho biết thêm: “Chúng tôi hiểu rằng khi tham gia các ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng đồng thời các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước và các điều kiện tiếp cận thị trường. Với các quy định như hiện tại có thể tạo ra nhẫm lẫn là nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường mà không cần tuân thủ các điều kiện áp dụng đối với đầu tư trong nước.”

Do đó, các nhà đầu tư đề nghị quy định rõ các điều kiện phải tuân thủ: “Với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện: Các nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đồng thời đáp ứng điều kiện áp dụng đối với đầu tư trong nước theo quy định tại Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp  lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư.”

Tiến sỹ Trần Hồng Mai, Chủ tịch Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, vì vậy bố cục nội dung cần hướng dẫn phù hợp bố cục nội dung của Luật và phải hướng dẫn đầy đủ các nội dung quy định thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Tuy nhiên, văn bản Dự thảo Nghị định trình bày chưa nhất quán với bố cục tổng thể nội dung của Luật Đầu tư 2020 cũng như trong từng chương.

Ông dẫn chứng: Chương IV-Thực hiện dự án đầu tư lại bao gồm cả nội dung hướng dẫn về chấp thuận chủ trương đầu tư (mục 2) và thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (mục 3). Trên thực tế, các nội dung này nên tách khỏi chương IV và đưa thành một chương riêng. Ngoài ra, một số nội dung khác trong văn bản Dự thảo trình bày không nhất quán với bố cục nội dung của Luật, như Chương V-Thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài là những nội dung hướng dẫn Điều 23 và Điều 26 của Luật Đầu tư 2020, cần phải đưa lên phần đầu của Nghị định này.

“Nói chung cần rà soát lại và sắp xếp bố cục nội dung Nghị định theo trình tự trong Luật Đầu tư 2020 để đối tượng áp dụng tra cứu và thực hiện thuận tiện trong thực tế,” ông cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục