Không ít những "gạch đầu dòng" trong bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế vừa công bố bị đánh giá là còn cảm tính và cần xem xét lại.
Tập trung quản lý doanh nghiệp không tuân thủ
Đây là bộ chỉ tiêu vừa được phía cơ quan chức năng đưa ra trong "Hội thảo lấy ý kiến bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế" tổ chức sáng 19/5 tại Hà Nội.
Nhấn mạnh việc ra đời bộ chỉ tiêu mới không làm phát sinh thủ tục hành chính với doanh nghiệp bởi theo ông Bùi Khánh Toàn, Phó Vụ trưởng-Phụ trách Ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế, đây là việc nội bộ của cơ quan thuế.
Cụ thể, đại diện cơ quan thuế cho biết, sẽ có 2 bộ tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế "tốt" và "mức độ thấp."
Riêng với tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ "tốt," ông Toàn cho biết có tổng số 9 chỉ tiêu chung trong đó bao gồm 15 chỉ số cụ thể.
Một số chỉ số cơ bản được nhắc tới là: Doanh nghiệp đang hoạt động, thực hiện kê khai đầy đủ, đúng hạn đối với các sắc thuế có nghĩa vụ thực hiện với ngân sách Nhà nước; Doanh nghiệp thực hiện nộp đầy đủ, đúng hạn các loại thuế phát sinh theo kê khai.
Ngoài ra, các chỉ số khác là: Trong thời gian 730 ngày liên tục kể từ ngày đánh giá trở về trước, doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, ấn chỉ thuế với tổng mức tiền lớn hơn 50 triệu đồng,...
Ngược lại, ở bộ tiêu chí và chỉ số đánh giá mức độ tuân thủ "thấp," cơ quan chức năng có dự kiến một số yếu tố như: Trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm đánh giá doanh nghiệp chưa kê khai, nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế đầy đủ, đúng hạn ít nhất 1/3 số tờ khai theo quy định; Tính đến thời điểm đánh giá, doanh nghiệp có số lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến thời điểm đánh giá. Cùng với một số điều kiện khác, tổng cộng bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ "thấp" có 10 tiêu chí với 10 chỉ số.
Chưa đưa ra cách "chấm điểm" cụ thể với các chỉ số này nhưng đại diện cơ quan chức năng cho hay, từ các tiêu chí trên, ngành thuế tính toán phân nhóm các doanh nghiệp theo diện: Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế tốt, trung bình và thấp.
Với bộ chỉ tiêu trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc chuyển đổi sẽ tập trung vào rủi ro, vào khu vực nguy cơ chứ không áp dụng chung như trước.
"Doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc cũng chịu gánh nặng kiểm tra, kiểm soát như các doanh nghiệp vi phạm lớn, như thế là không công bằng. Chính vì thế bộ chỉ tiêu cần thiết để phân lợi doanh nghiệp nào làm ăn nghiêm túc sẽ được tạo thuận lợi hơn, ít bị thanh kiểm tra hơn, chịu thủ tục hành chính ít hơn," ông Tuấn nói.
Nhiều doanh nghiệp có thể bị xếp mức "thấp"
Góp ý cho bộ chỉ tiêu, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam tỏ ý thắc mắc về việc cơ quan chức năng đưa ra 2 bộ chỉ tiêu "tốt" và "thấp" nhưng lại phân loại doanh nghiệp theo 3 loại là: tốt, trung bình, thấp.
Từ đó, ông Thanh đặt ra câu hỏi về sự "cảm tính" của những chỉ số trên khi đánh giá sự tuân thủ pháp luật thuế của các doanh nghiệp.
Ý kiến này cũng được ông Trần Vũ Hải, đại diện của Đại học Luật Hà Nội đồng tình. Theo ông, cần xem lại cách tiếp cận khi đưa ra bộ tiêu chí và phải định lượng rõ ràng.
Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam tỏ ra băn khoăn ở khá nhiều điểm. Bà khẳng định, về thủ tục hành chính có thể không liên quan tới doanh nghiệp nhưng chắc chắn kết quả đánh giá của bộ tiêu chí sẽ tác động tới các đơn vị.
Theo bà, hiện cơ quan chức năng cũng bộ tiêu chí phục vụ công tác thanh kiểm tra thuế. Các nhóm điều kiện trong bộ tiêu chí này được bà Cúc đánh giá là khá rõ ràng và cơ quan chức năng có thể nghiên cứu khi xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế. Điều này theo bà để tránh "cán bộ phòng thanh tra lấy tiêu chí này để thanh tra, phòng rủi ro lại lấy chỉ tiêu khác để xem xét."
Đi vào cụ thể hơn, bà Cúc băn khoăn về chỉ số đánh giá doanh nghiệp tuân thủ tốt có nhắc tới điều kiện: "Doanh nghiệp có số thuế giá trị gia tăng nộp trên vốn chủ sở hữu tại kỳ tương ứng lớn hơn mức trung bình của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có cùng quy mô, lĩnh vực đầu tư." Đây là vấn đề theo bà "không bao giờ làm được." Bà Cúc đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp cùng quy mô nhưng đơn vị sản xuất hàng không chịu thuế, hàng xuất khẩu có thuế bằng 0% thì "làm sao có thuế."
"Một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu nhiều thì nộp thuế VAT ít nhưng 1 doanh nghiệp nội địa cùng quy mô thì nộp thuế VAT nhiều. Chả lẽ ta cho rằng doanh nghiệp trong nước tốt hơn đơn vị xuất khẩu," đại diện Hội Tư vấn thuế Việt Nam nói.
Một chỉ số khác cũng khiến bà Cúc "lăn tăn" là yêu cầu: "Tại thời điểm đánh giá, không có thông tin doanh nghiệp nợ thuế, tiền phạt; các khoản phí và lệ phí; các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước." Việc "có thông tin" theo bà là "láng máng" và không rõ ràng.
"Cơ quan chức năng không thể nghe rồi có thông tin được, phải chốt là có nợ hay không," Chủ tịch Hội tư thuế Việt Nam góp y.
Với không ít băn khoăn khác, bà Cúc cho rằng, nếu bộ tiêu chí đưa ra thực hiện thì gần như tất cả doanh nghiệp đều có thể vào diện tuân thủ thấp.
Đứng ở góc độ khác, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam thắc mắc, cơ quan chức năng có sẵn sàng công bố thông tin khi doanh nghiệp có câu hỏi liên quan.
Việc đánh giá doanh nghiệp theo ông sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín doanh nghiệp, bởi vậy, ông cho rằng, cần cân nhắc các chỉ số cẩn trọng và cố gắng quy về cùng một mặt bằng để việc đánh giá được dễ dàng hơn./.