Nhiều đơn vị, doanh nghiệp vào ‘tầm ngắm’ thanh tra của Bộ Xây dựng

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết công tác thanh tra trong năm 2021 sẽ đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, không né tránh những vấn đề phức tạp; trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp vào ‘tầm ngắm’ thanh tra của Bộ Xây dựng ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Danh Lam/TTXVN)

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết năm 2021, Thanh tra Bộ sẽ thực hiện các cuộc thanh tra hành chính về công tác quản lý tài chính, phòng chống tham nhũng; thanh tra chuyên ngành về quản lý đầu tư xây dựng đối với các đơn vị, doanh nghiệp "lớn." Trong đó có Tập đoàn điện lực Việt Nam (ENV) và một số đơn vị thành viên, Tổng công ty hàng không Việt Nam - CTCP, Công ty Cổ phần tập đoàn Ecopark…

Thanh tra toàn diện

Theo Kế hoạch thanh tra vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phê duyệt, Thanh tra Bộ này sẽ tổ chức 12 đoàn đi thực hiện kế hoạch. Trưởng đoàn thanh tra được giao phải khảo sát, nắm bắt tình hình tổng hợp các thông tin, tài liệu thu thập được, báo cáo Chánh thanh tra Bộ xem xét, phê duyệt nội dung, phạm vi thanh tra, địa điểm thanh tra trước khi triển khai.

Cụ thể, về thanh tra hành chính, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra công tác quản lý tài chính, phòng chống tham nhũng và thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng giao tại: Viện Khoa học công nghệ xây dựng; Trường Cao đẳng Xây dựng số 1; Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng ngành Xây dựng phía Nam.

[Cần bỏ khâu thông báo để rút ngắn quy trình xử lý vi phạm đất đai]

Về công tác thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng của các Tổng Công ty; Tập đoàn Nhà nước tại các dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ của EVN và một số đơn vị thành viên; Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP.

Theo đó, các dự án do Tập đoàn EVN và một số thành viên làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư gồm: Dự án đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín; đường dây 220kV Nho Quan - Thanh Nghị; đường dây 500kV đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện Quốc gia.

Tương tự, các dự án thuộc diện thanh tra, do Tổng Công ty cảng hàng Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư gồm: Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn II - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; dự án Mở rộng đỗ máy bay - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Giai đoạn 1); dự án Cải tạo, mở rộng nhà ga hàng không, sân đỗ ô tô Cảng hàng không Chu Lai; dự án Nâng cấp, cải tạo sân đỗ máy bay khu vực nhà ga cũ và đường lăn W2 - Cát Bi.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý Nhà nước ngành xây dựng của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Trà Vinh, Cần Thơ trong các lĩnh vực như quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản…

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp vào ‘tầm ngắm’ thanh tra của Bộ Xây dựng ảnh 2Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Về thanh tra hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, theo kế hoạch, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản tại khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang, giai đoạn 2 (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), quy mô xây dựng 440 hécta - khu đô thị Ecopark do Công ty Cổ phần tập đoàn Ecopark đầu tư và một số dự án khác.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm, đoàn thanh tra sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản tại Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội quy mô 420 hécta.

Không né tránh vấn đề phức tạp

Với những kế hoạch nêu trên, đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định: “Công tác thanh tra trong năm tới (năm 2021) sẽ đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, không né tránh những vấn đề phức tạp. Việc giám sát hoạt động các đoàn thanh tra sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 05 của Thanh tra Chính phủ.”

Nói thêm về công tác thanh tra, đại diện Bộ Xây dựng cho biết năm 2020, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã kiến nghị xử lý về tài chính 39,1 tỷ đồng. Trong đó, yêu cầu phê duyệt lại dự toán 34,1 tỷ đồng; yêu cầu giảm trừ thanh quyết toán 1,3 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về tài khoản chủ đầu tư 1,3 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ 1,1 tỷ đồng; vi phạm khác 1,1 tỷ đồng…

Ngoài ra, việc xử lý hành chính, theo báo cáo của các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng và qua công tác kiểm tra, đã có 88 tập thể và 43 cá nhân tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức tiếp công dân thường xuyên, tiếp nhận hơn 600 lượt đơn trong đó 19 vụ việc thuộc thẩm quyền, trình Bộ trưởng ban hành và ban hành theo thẩm quyền 140 văn bản giải quyết đơn thư../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục