Nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn bị “vướng”

Nhiều dự án giao thông trọng điểm hiện vẫn bị “vướng,” do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và chất lượng các nhà thầu.
Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải và sự vào cuộc của các cấp, các ngành nhưng hiện nay nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn bị “vướng,” phải điều chỉnh tiến độ do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và chất lượng các nhà thầu.

Tiến độ thi công quá “rùa”

Theo chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, tổng giá trị sản lượng toàn dự án Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến thời điểm này mới đạt khoảng 5.018 tỷ đồng, đạt 38,4%, giải ngân 5.805 tỷ đồng, đạt 44,4% kế hoạch.
 
Đại diện nhà thầu Keangnam cho biết, gói thầu A5 dù đã qua hơn 27 tháng trên tổng số 40 tháng của hợp đồng nhưng tiến độ tính đến nay mới đạt được 13%. Nhà thầu này cho biết, trước đây gói A5 có tới 19 nhà thầu phụ, tuy nhiên với nỗ lực đẩy nhanh công trình, Keangnam đã loại bớt nhiều nhà thầu yếu kém, bổ sung thêm các đơn vị có năng lực mạnh của Việt Nam để tăng cường. Nhà thầu chính đang đề nghị tập đoàn mẹ thường xuyên cung cấp thêm nguồn vốn lưu động để thanh toán khối lượng cho các đơn vị thi công, đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án. Với tiến độ hiện tại, Keangnam phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ đạt 20% và hết tháng 3/2013 đạt hơn 30% sản lượng.
 
Gói thầu A4 cũng của nhà thầu Keangnam theo kế hoạch phải đạt được 32,%, tuy nhiên đại diện nhà thầu này cho biết hiện giờ mới thực hiện được 27%. Ngoài A4 và A5, trên tuyến cao tốc trọng điểm này cũng còn một số gói thầu khác tiến độ chưa được như mong muốn, trong đó có thể kể tới như gói A1, A3, A6. Dù cho hầu hết các gói thầu đều đã được điều chỉnh về tiến độ, tuy nhiên cho tới thời điểm này vẫn chậm so với kế hoạch. Cụ thể tính từ 1/11 đến 16/11/2012, gói A1 chỉ đạt vỏn vẹn 0,49%, A3 là 2,81%, A4 là 2,55% và A5 chỉ 1%.
 
Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 Hà Nội-Thái Nguyên được khởi công từ cuối năm 2009 và ấn định thời gian hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó phòng điều hành dự án (PID5, Ban Quản lý dự án 2) cho biết, đến nay, các địa phương đã bàn giao 58,523km/61,313km, còn lại gần 2,8km chưa bàn giao mặt bằng, lại theo kiểu "xôi đỗ" (vẫn còn rải rác nhà dân) nên trên thực tế các nhà thầu chỉ có thể thi công 57,98km.
 
Nhà thầu yếu kém năng lực vẫn “lọt”
 
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, khi tổ chức đấu thầu hiện nay vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để ngăn chặn, loại trừ các nhà thầu yếu kém về năng lực. Có không ít trường hợp nhà thầu dù đang thi công rất trì trệ, công trình chậm tiến độ hoặc chất lượng có vấn đề tại một dự án này nhưng ngay sau đó lại có thể được dự thầu và thắng thầu tại một dự án khác, thậm chí do chính chủ đầu tư công trình trước đây thực hiện.
 
Bên cạnh đó còn phải kể tới quy định về giá trần, các gói thầu không được vượt giá cho phép cũng khó chọn được nhà thầu có năng lực thực sự. Không ít trường hợp do áp lực về công ăn việc làm, khiến nhà thầu buộc phải giảm giá để phù hợp với giá trần, hậu quả là các đơn vị này phải gánh chịu thua lỗ và nợ đọng.
 
Đối với nhiều dự án giao thông lớn, sử dụng vốn vay nước ngoài, do những quy định của của nhà tài trợ như WB, ADB,...đã loại toàn bộ các nhà thầu trong nước và nhường toàn bộ vai trò cho các nhà thầu quốc tế. Đơn cử tại các dự án đường cao tốc lớn đang triển khai hiện nay như Nội Bài-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng... khối lượng xây lắp do nhà thầu nước ngoài trúng thầu chiếm hơn 90%. Trong khi đó, không ít các nhà thầu này tài chính cũng yếu kém, năng lực thi công hạn chế và phải ăn đong, trông chờ vào tạm ứng, thanh toán của chủ đầu tư để thi công dẫn đến nhiều dự án bế tắc về tiến độ, thi công ì ạch.
 
Trong trường hợp nhà thầu chính đã bị xử lý, thay thế nhưng vẫn phải chịu hậu quả do các nhà thầu phụ thi công không đúng là hết sức bất cập. Việc này cũng là một trong những lý do dẫn đến nhiều chủ đầu tư ngại thay thế, xử lý nhà thầu chính. Một điểm nữa có thể kể đến là việc toàn bộ công tác thanh toán khối lượng cho các công trình gần như đều phải qua nhà thầu chính. Quy định này tất yếu dẫn tới việc thi công của các nhà thầu phụ và tiến độ công trình phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu chính. Trong khi nhiều thầu chính được chủ đầu tư thanh toán lại không chi trả cho nhà thầu phụ mà số tiền đó được dùng vào những mục đích khác hoặc cho các công trình khác, làm cho công trường dự án bị đình trệ.
 
Tập trung tháo gỡ khó khăn

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo từ nay tới hết năm 2012, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án cần đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục đầu tư của các dự án theo đúng quy định, tăng tiến độ thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán để phấn đấu giải ngân hết mức vốn được giao còn lại trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án cần tập trung chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, phấn đấu bàn giao mặt bằng đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án. Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh về thể chế trong quản lý đầu tư xây dựng; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng; Tăng cường chất lượng công tác lựa chọn Tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông, công tác tư vấn, giám sát chất thi công các công trình giao thông...

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trong chuyến kiểm tra trực tiếp trên tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lao Cai gần đây cũng đã yêu cầu các nhà thầu phải tranh thủ những tháng thời tiết tốt, huy động tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị tập trung cho công trường. Đặc biệt về vấn đề tài chính, tất cả các gói thầu phải đề nghị công ty mẹ cung cấp đầy đủ vốn lưu động để chi trả, thanh toán khối lượng cho các nhà thầu phụ để đẩy nhanh tiến độ thi công.

“Hầu hết các nhà thầu chính đều là những tên tuổi lớn, có thương hiệu trên thế giới, dự án cũng không còn đường lùi nữa nên cần phải nỗ lực hết sức, lấy lại tiến độ đã mất, không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà thầu. Các địa phương cần tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cho các nhà thầu chủ động đẩy mạnh thi công. Chủ đầu tư VEC phải tiếp tục chỉ đạo nhà thầu chính điều chuyển bớt khối lượng các gói thầu chậm tiến độ, bổ sung thêm nhà thầu có thực lực, kiên quyết không cho phép bất kỳ nhà thầu nào hoàn thành sau năm 2013"- Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.

Cũng trong chuyến kiểm tra dự án, Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với các địa phương tháo gỡ những vướng mắc xung quanh công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc còn một số đoạn dân cản trở thi công, khiến việc tổ chức đẩy nhanh tiến độ của dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng các cơ quan chức năng chỉ đạo giải quyết dứt điểm để không ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Để có thể thi công các dự án trên, Hà Nội cũng đã tiến hành thu hồi tổng diện tích đất ở và Nông nghiệp là 590.4ha trên bốn huyện, quận thủ đô. Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trên phải tiến hành xong trong năm 2012./.

Hồng Ninh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục