Nhiều khả năng GDP cả năm đạt 6,3%, lạm phát dưới mức 5%

Chín tháng vừa qua, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,93%; ước cả năm, GDP đạt từ 6,3-6,5%, nhiều khả năng đạt mức 6,3%.
Nhiều khả năng GDP cả năm đạt 6,3%, lạm phát dưới mức 5% ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 30/9, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên thường kỳ quý 3/2016 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã phân tích đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2016, dự báo cả năm 2016, triển vọng kinh tế năm 2017 và định hướng các năm tiếp theo, trong đó tập trung các cân đối lớn như chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, cân đối ngân sách và nợ công.

Thành viên Hội đồng đề xuất nhiều giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại cũng như kế hoạch năm 2017, tập trung vào các giải pháp chủ yếu, đột phá, có sức lan tỏa để đưa vào nghị quyết chỉ đạo điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ năm 2017.

Các thành viên Hội đồng cũng cho ý kiến về Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu tại phiên họp cho thấy 9 tháng năm 2016, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,93%. Ước cả năm, GDP đạt từ 6,3-6,5%, nhiều khả năng đạt mức 6,3%.

Lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,34% so với cùng kỳ. Ước cả năm, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng sẽ được kiểm soát ở dưới mức 5% như Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ thấp hơn cùng kỳ. Tổng đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước đạt 1.006,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,1% GDP, trong đó vốn FDI tiếp tục tăng trưởng khả quan, 9 tháng ước đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% cao hơn mức tăng 8,4% cùng kỳ. Ước cả năm giải ngân vốn FDI đạt 15,5 tỷ USD.

Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết năm 2017, nền kinh tế còn đối mặt với một số khó khăn thách thức. Tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, áp lực cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu lớn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Một số cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc, còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao khi thực hiện điều chỉnh theo lộ trình giá dịch vụ y tế, giáo dục... và diễn biến khó lường của giá dầu thế giới.

Dự kiến năm 2017, GDP tăng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31,5%.

Để đạt được mục tiêu trên, cần tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước xác định về cơ bản điều hành chính sách tiền tệ theo đúng chủ trương định hướng của Chính phủ là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Trung ương đã cung ứng một lượng tiền tương đối lớn. Việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước để can thiệp trung hòa khi mua ngoại tệ được phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với chính sách tài khóa để hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Tính đến thời điểm này, trái phiếu Chính phủ đã phát hành được 250.000 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bà Hồng cho hay cách thức điều hành tỷ giá mới trong năm 2016 đã giải tỏa tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ nên lãi suất liên ngân hàng thấp, lượng vốn dư thừa nhưng tỷ giá vẫn rất ổn định. Điều quan trọng là đã ổn định được mặt bằng lãi suất huy động, giảm áp lực tăng lãi suất cho vay.

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, điều hành về tăng trưởng tín dụng được thực hiện theo đúng định hướng đề ra, từ 18-20% và có khả năng đạt được mục tiêu này. Cơ cấu tín dụng tăng mạnh ở tín dụng bằng đồng Việt Nam, tín dụng bằng ngoại tệ tăng thấp, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa. Tín dụng đã và đang theo định hướng về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển tăng trưởng kinh tế dựa vào cầu trong nước.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đề nghị đánh giá sâu nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP giảm. Ngân hàng Nhà nước nên đánh giá việc tồn kho nợ xấu ảnh hưởng đến doanh nghiệp, câu chuyện khởi nghiệp quốc gia cần có thiết kế bài bản, cẩn thận, không sốt ruột...

Chuyên gia Lê Đức Thúy bày tỏ lo ngại khi nhiều chương trình, gói tín dụng đưa ra đang làm méo mó thị trường trong việc phân bổ nguồn vốn. Ông đề nghị không nên giữ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.

Các thành viên Hội đồng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư để đánh giá rõ hơn thực trạng nền kinh tế; có giải pháp nâng cao cầu nội địa và thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng hơn; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí trung gian cho doanh nghiệp.

Các thành viên cho rằng nếu GDP của năm nay tăng từ 6,1-6,3% cũng là cố gắng lớn trong bối cảnh điều kiện tài khóa, tiền tệ “chật chội” và đề nghị Chính phủ có giải pháp đảm bảo chất lượng của tăng trưởng kinh tế; tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế, vừa giải quyết các tồn đọng hiện nay và vừa chuyển biến nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng tốt hơn, hướng nhiều tới tương lai, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng bày tỏ đồng tình với các ý kiến phát biểu của các thành viên và cho rằng đây cũng là mong muốn của Chính phủ trong quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên tiếp tục bám sát diễn biến tình hình tài chính quốc tế để tiếp tục thảo luận, tham mưu với Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.

Từ một số kiến nghị của các thành viên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng; rà soát lại các gói tín dụng ưu tiên trên cơ sở phân định được chính sách tài khóa và các công cụ của hệ thống ngân hàng; nghiên cứu tăng huy động vốn trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục