Nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Anh

Với phái đoàn gồm 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và kế hoạch ký các thỏa thuận hợp tác trị giá lên tới 9 tỷ euro, chuyến thăm Trung Quốc của bà May không chỉ đơn thuần nhằm thúc quan hệ song phương.
Nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Anh ảnh 1 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Anh Theresa May. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 31/1, Thủ tướng Anh Theresa May bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc với nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ giữa Anh với Trung Quốc.

Với phái đoàn gồm 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và kế hoạch ký các thỏa thuận hợp tác trị giá lên tới 9 tỷ euro (hơn 12,5 tỷ USD), chuyến công du nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của nhà lãnh đạo Anh không chỉ đơn thuần nhằm thúc quan hệ song phương mà quan trọng hơn là việc tăng cường hợp tác sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Với điểm đến đầu tiên là trung tâm công nghiệp Vũ Hán và tiếp theo trung tâm tài chính Thượng Hải, bà Theresa May muốn khẳng định tầm quan trọng hơn bao giờ hết của việc hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Trung Quốc - Anh trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt là thời kỳ hậu Brexit. Không chỉ muốn trở thành một trong những đối tác thương mại chiến lược của Trung Quốc, Anh còn muốn tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh.

[Thủ tướng Anh muốn ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc]

Tuyên bố: "Quan hệ Trung Quốc với Anh sẽ không thay đổi sau Brexit" của Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng phần nào cho thấy thiện chí của Trung Quốc đối với một trong những trung tâm tài chính toàn cầu này. Trong bài phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với bà May tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ông Lý Khắc Cường bày tỏ sự ủng hộ mối quan hệ song phương, đang được hai nước xem là "giai đoạn vàng son."

Ông Lý Khắc Cường khẳng định quan hệ hai nước sẽ không thay đổi trước những xáo trộn của quan hệ Anh - EU. Mặc dù vậy, ông Lý Khắc Cường thừa nhận cần phải điều chỉnh để có những thích nghi với tình hình mới. Theo ông Lý Khắc Cường, việc thích nghi với những thay đổi này mới tạo thuận lợi cho cả hai phía đánh giá và thảo luận về các vấn đề thương mại-đầu tư song phương trong tương lai cũng như tiếp tục thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Anh, đặc biệt là quan hệ thương mại và kinh doanh.

Về phần mình, bà May cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Anh sau Brexit, trong đó tính tới mọi cơ hội cho các mối quan hệ thương mại tương lai. Theo bà May, Anh quyết tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và kỳ vọng vào mối quan hệ này. Với các thỏa thuận thương mại trị giá 9 tỷ bảng Anh trong chuyến thăm này và Trung Quốc nhất trí bãi bỏ lệnh cấm thịt bò xuất khẩu của Anh trong vòng 6 tháng tới, chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của bà Theresa May kể từ khi đảm nhận vai trò người đứng đầu chính phủ năm 2016, thời điểm Anh quyết định rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu ý dân, được xem là thành công. Bởi lẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc luôn được xem là ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ bà May nhằm thúc đẩy kế hoạch "vì một nước Anh toàn cầu", tiến tới thiết lập những thỏa thuận thương mại và quan hệ đối tác ngoại giao mới trên khắp thế giới.

Theo Giáo sư Kerry Brown - chuyên gia hàng đầu của Anh nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc, đồng thời là Viện trưởng Viện Lau China tại Trường King's College (London), chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Anh đến Trung Quốc lần này được thiết lập để định hình một lộ trình mới cho mối quan hệ song phương. Chuyến thăm chú trọng tới một đối tác hết sức quan trọng, không chỉ riêng trong vấn đề Brexit mà rõ ràng là nhằm hướng tới một tương lai mà Anh và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau. Giáo sư Brown khẳng định Anh cần vượt ra ngoài các mối quan hệ hợp tác truyền thống với EU và Mỹ, cũng như cần coi Trung Quốc như một đối tác mới để tiến vào một kỷ nguyên mới... Và mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội khác nhau trong tương lai.

Nếu Brexit diễn ra một cách suôn sẻ, chắc chắn hợp tác Anh và Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, văn hoá và giao lưu nhân dân sẽ được tăng cường. Khi đó, Vương quốc Anh có thể trở thành một điểm đến đầu tư lớn hơn, một đối tác tài chính lớn hơn và là một đối tác tri thức lớn hơn cho Trung Quốc.

Trong bối cảnh, Anh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh, năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt mức 79 tỷ USD, tăng gần 6,2% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu từ Anh sang Trung Quốc đã tăng 60% từ năm 2010 và cường quốc châu Á được cho sẽ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Anh vào năm 2020.

Giới phân tích nhận định chủ trương tăng cường kết nối và liên kết chặt chẽ hơn giai đoạn hậu Brexit giữa London và Bắc Kinh có thể mở ra cơ hội mới để quan hệ song phương trở nên vững chắc, hiệu quả và thiết thực hơn, mang lại niềm tin và lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như nhân dân hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục