Nhiều luồng ý kiến trái chiều về dự án ven sông Hàn ở Đà Nẵng

Có luồng ý kiến cho rằng dự án Marina Complex đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy, tác động vào dòng sông mỗi khi có mưa lũ và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị của Đà Nẵng.
Dự án Marina Complex đang triển khai trên thục tế. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)
Dự án Marina Complex đang triển khai trên thục tế. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Trước những thông tin trái chiều về sự tác động của các dự án ven sông Hàn, ngày 7/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện đối với Dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex).

[Đà Nẵng quyết định tạm dừng dự án Marina Complex ven sông Hàn]

Dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt sơ đồ ranh giới tại Quyết định số 6652/QĐ-UBND ngày 28/8/2009, diện tích dự án 175.012m2; trong đó diện tích sử dụng phần đất liền là 105.520m2, diện tích sử dụng đất phần mặt nước 69.492m2.

Năm 2011, Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt quy hoạch lần đầu tại Quyết định số 906/QĐ-UBND, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong công trình đê, kè Mân Quang trở vào trong, tổng diện tích dự án 175.512m2.

Qua các lần điều chỉnh, dự án được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tốt hơn tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn 117.311m2, trong đó diện tích phần đất liền 107.311m2, diện tích phần đất mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003m2 còn 10.000m2; ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy (do Cảng vụ Đà Nẵng quản lý) tăng từ 30m lên 60-200m hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy; tăng diện tích công viên, cây xanh từ 7.065m2 thành 24.415m2...

Dự án đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá đánh gía tác động môi trường tại Quyết định số 6039/QĐ-UBND ngày 27/10/2017.

Hiện chủ đầu tư đã thi công hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu vực phía Đông đường Lê Văn Duyệt và một số công trình nhà liền kề theo giấy phép xây dựng được cấp. Khu vực ven sông phía Tây đường Lê Văn Duyệt đã thi công san lấp mặt bằng, kè bao, đang thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện...

Tại hội nghị, trên cơ sở phân tích về chuyên môn cũng như cảnh quan đô thị, cơ bản có hai luồng ý kiến, một bên cho rằng dự án này có ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, tuy nhiên tác động này là không nhiều nên cần tiếp tục cho doanh nghiệp triển khai.

Luồng ý kiến còn lại cho rằng dự án trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy, tác động vào dòng sông mỗi khi có mưa lũ và nhất là ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị của Đà Nẵng.

Nhiều luồng ý kiến trái chiều về dự án ven sông Hàn ở Đà Nẵng ảnh 1Tiến sỹ Lê Hùng (Đại học Bách khóa Đà Nẵng) phản biện. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Trên cơ sở tính toán lưu lượng, tốc độ dòng chảy, sức ảnh hưởng của mưa lũ đối với sông Hàn tại các mốc đỉnh lũ của Đà Nẵng, tiến sỹ Lê Hùng (Đại học Bách khoa Đà Nẵng), tiến sỹ Phạm Thị Hương Lan (Đại học Thủy lợi), tiến sỹ Lê Song Giang (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) đều cho rằng qua thực tế tính toán khoa học các mốc thời gian về lưu lượng, tốc độ, sự ảnh hưởng của dòng chảy trên sông Hàn sau khi có các dự án trên là không lớn, có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, để có quyết định cuối cùng là có nên tiếp tục cho triển khai dự án hay không thì thành phố cần cân nhắc nhiều yếu tố hơn nữa.

Thông tin tại hội nghị, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết việc dự án trên xây dựng ảnh hưởng không lớn vào lưu lượng trên sông Hàn.

"Nếu như trước đây, chúng tôi đã đo đạc, tính toán thì cây cầu sông Hàn còn cản trở dòng chảy gấp nhiều lần so với dự án này," ông Huỳnh Vạn Thắng nói.

Với quan điểm cần dừng dự án để tiếp tục tính toán, xem xét một cách toàn diện trong việc tác động tiêu cực đến dòng chảy, môi trường, sinh thái của Đà Nẵng, nhiều chuyên gia cho rằng trong quá trình phát triển khá nhanh, Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng cũng xuất hiện những bất cập, hạn chế cần được sửa chữa, hoàn thiện.

Đây là dịp để thành phố rà soát tất cả các dự án triển khai ven bờ sông Hàn, chỉ rõ tính pháp lý của các dự án đã và đang triển khai tìm ra những phương án tối ưu nhất, để không ngừng phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, tạo cảnh quan môi trường, sinh thái một cách tốt nhất. Đồng thời, thành phố tạo điều kiện phù hợp để doanh nghiệp phát triển, chung tay vì sự nghiệp phát triển chung của Đà Nẵng.

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, qua rà soát, kiểm tra hồ sơ, dự án trên đều nằm trong quy hoạch chung của thành phố và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết với mục tiêu vì sự phát triển bền vững và hướng về cộng đồng, Đà Nẵng trong quá trình phát triển sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Quá trình thực hiện dự án sẽ tăng mật độ cây xanh, tạo ra không gian công cộng rộng rãi phục vụ người dân, giảm diện tích cũng như mật độ xây dựng tại các dự án nhằm tạo sự đồng thuận chung với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng một cách bền vững.

Phát biểu kết luận tại hội nghị phản biện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên cho biết thành phố sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến trên để gửi đến lãnh đạo và ngành chức năng của thành phố xem xét, nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp khả thi và hữu hiệu nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục