Nhiều mô hình nông nghiệp ở Hà Nội biến tướng thành điểm du lịch

Theo các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, có một số bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp như xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng.
Nhiều mô hình nông nghiệp ở Hà Nội biến tướng thành điểm du lịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 12/5, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn nhằm đánh giá kết quả thực hiện, xác định nguyên nhân của tồn tại, hạn chế để đưa ra giải pháp hiệu quả, khả thi thời gian tới.

Tham dự phiên chất vấn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Chín nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn

Theo báo cáo, Hà Nội có 58,9% diện tích đất nông nghiệp, nông thôn gắn với các "vùng xanh." Các quy hoạch lớn của Thủ đô đang triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Giai đoạn 2012-2021, Hội đồng Nhân dân thành phố đã ban hành 9 nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn để cụ thể hóa một số nội dung hỗ trợ của Trung ương giao cấp tỉnh quy định chi tiết và quy định một số cơ chế hỗ trợ đặc thù của Thủ đô trong phát triển nông nghiệp.

Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Trung ương và thành phố Hà Nội cho phát triển nông nghiệp, chủ yếu tập trung vào các nội dung: tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, dự án sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ trực tiếp cho một số khâu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (chi phí cho máy móc thiết bị, giống, phòng chống dịch bệnh, chi phí giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…); hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ phát triển thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Việc chủ động, tích cực triển khai cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt 2,53%; từ năm 2021-2022 đạt trên 3%, trước mắt bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 2,5-3%/năm trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Đến nay, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (100% số xã) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

Toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.167 sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, đứng đầu cả nước. Hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được quan tâm, dần đi vào hiệu quả...

Sớm khắc phục tồn tại

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã chỉ rõ tồn tại, bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp như việc xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong phạm vi triển khai dự án phi nông nghiệp nhưng dự án chậm tiến độ chưa giải phóng mặt bằng, nông dân giữ đất chờ dự án, không quan tâm đến sản xuất hoặc tình trạng người dân không mặn mà với đồng ruộng để đất bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) chậm đưa vào khai thác dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư, xảy ra ô nhiễm môi trường tại khu vực…

Đại biểu Đàm Văn Huân (Trưởng Ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội) đưa ra ví dụ về Dự án Khu Nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, đã được phê duyệt đến nay gần 10 năm nhưng chưa triển khai, gây nhiều ý kiến trong dư luận.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết hiện nay, thành phố đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện dự án Khu Nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh trong thời gian sớm nhất.

Ngoài dự án này, Ủy ban Nhân dân thành phố đã rà soát, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ sung thêm 7 dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao khác nhằm cụ thể hóa Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Nhiều mô hình nông nghiệp ở Hà Nội biến tướng thành điểm du lịch ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ đại biểu huyện Ba Vì) cho biết dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) được đầu tư hơn 100 tỷ đồng nhằm chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư.

Tuy nhiên, đến nay, đã nhiều năm trôi qua, khu giết mổ tập trung này chưa được đưa vào khai thác, sử dụng, xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến chậm đưa khu giết mổ tập trung Bình Minh vào khai thác, sử dụng.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung tại xã Bình Minh là rất cần thiết.

Huyện đề xuất thành phố giao cho huyện, các hợp tác xã đứng ra “thu gom” các hộ giết mổ trong khu dân cư. Huyện đã có các tờ trình đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phương án đấu giá thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân thành phố sớm xem xét, giải quyết. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh phương án đấu giá, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ nộp hồ sơ đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh phiên chất vấn này cho thấy lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu tiếp tục tái cơ cấu ngành kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện đời sống, thu nhập của nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế, bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố.

Cụ thể là việc triển khai quy hoạch nông nghiệp trong quy hoạch chung của thành phố còn chưa rõ nét, chưa có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ, lộ trình đề ra. Quy hoạch này được phê duyệt từ năm 2012, Hội đồng Nhân dân đã có nghị quyết và Ủy ban Nhân dân ban hành kế hoạch, trong đó rất rõ về các vùng chuyên canh nhưng hiện nay cần rà soát lại.

Nhiều chính sách của Trung ương và thành phố chưa được triển khai đầy đủ, kịp thời. Một số chính sách thực hiện còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống. Việc phối hợp giữa các sở, ngành của thành phố và Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã trong hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tiếp cận, nhận hỗ trợ theo cơ chế, chính sách còn nhiều thủ tục, chưa thuận lợi, kết quả cũng chưa cao.

Nhiều chuỗi liên kết không mang tính liên tục. Công tác xây dựng thương hiệu, dự báo thị trường, kết nối giao thương chưa ổn định, thiếu tính dài hạn nên không tạo dựng được giá trị cao, bền vững cho phần lớn mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế nông nghiệp chưa được cơ quan quản lý hướng dẫn, kiểm tra, xử lý kịp thời, đề xuất tháo gỡ về thủ tục đất đai, xây dựng…

Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố, các cấp, ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu, kiến nghị của cử tri và nhân dân; triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, lộ trình, tiến độ khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến rõ nét đối với nội dung, lĩnh vực chất vấn đã được đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố nêu tại phiên chất vấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục