Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang diễn biến ngày một phức tạp buộc nhiều thông báo đã hoặc đang lên kế hoạch tái áp đặt các biện pháp cách ly, thậm chí là triển khai lệnh giới nghiêm ban đêm nhằm kiềm chế tốc độ lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Lục địa Già.
Bỉ tuyên bố có thể phải tái áp đặt các biện pháp cách ly hoàn toàn nếu không đảo ngược được tốc độ lây nhiễm hiện nay và số người nhập viện tăng vọt khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải.
Trả lời phỏng vấn tờ La Derniere Heure, chuyên gia nghiên cứu về virus và dịch tễ học Yves Van Laethem cho rằng: "Nếu không kiểm soát được tình hình, chúng ta sẽ phải cân nhắc tới một số biện pháp, thậm chí là nghiêm ngặt hơn, theo đó có thể tái áp đặt lệnh phong tỏa như từng triển khai trong tháng 3 và tháng 4 năm nay."
[Ireland trở thành quốc gia EU đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa]
Ông Laethem khẳng định chỉ khi có một vắcxin hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả, thế giới mới vượt qua được đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke cho biết thủ đô Brussels và vùng Wallonia ở miền Nam nước này đang "cận kề một cuộc khủng hoảng" khi hệ thống y tế đối mặt với áp lực quá lớn.
Theo ông Vandenbroucke, khủng hoảng được hiểu là giới chức đã mất kiểm soát hoàn toàn và mọi hoạt động chăm sóc sức khỏe không liên quan tới dịch COVID-19 sẽ phải ngừng hoạt động.
Theo số liệu thống kê mới nhất, đất nước 11 triệu dân này đã ghi nhận trung bình gần 7.900 ca mắc mới/ngày kể từ hôm 15/9, trong đó mỗi ngày có hơn 250 ca nhập viện và 30 ca tử vong.
Trong khi đó, tại thủ đô của Tây Ban Nha, chính quyền thành phố Madrid đang đánh giá tình hình xem liệu có cần áp đặt lệnh giới nghiêm để kiểm soát làn sóng dịch bệnh mới tại đất nước vẫn được coi là một trong những điểm nóng tại châu Âu này hay không.
Phát biểu với hãng thông tấn Europa Press, quan chức y tế cấp cao của thành phố Madrid nói: "Một lệnh giới nghiêm cũng có nghĩa là... trong một khung giờ nhất định, sẽ không có bất kỳ hoạt động đi lại nào, giống như thủ đô Paris và 8 thành phố khác của nước Pháp đã áp đặt cuối tuần trước. Theo đó từ 21 giờ hôm trước đến 6h sáng hôm sau mọi hoạt động công cộng, các nhà hàng, quán bar, và nhiều dịch vụ khác đều bị cấm."
Tuy nhiên, quan chức trên cho rằng giới chức thành phố Madrid sẽ không có đủ thẩm quyền để thực thi một lệnh giới nghiêm và sẽ phải đề nghị chính quyền trung ương.
Ngày 19/10, Chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 2 tuần nhằm áp đặt lệnh phong tỏa một phần khu vực trong và lân cận thủ đô Madrid, đồng nghĩa với việc người dân vẫn có thể ra khỏi nhà nhưng không được ra khỏi thành phố.
Theo quan chức trên, vùng thủ đô Madrid đang lên kế hoạch xét nghiệm nguồn nước thải để đánh giá liệu có khả năng virus SARS-CoV-2 tồn tại trong nguồn nước hay không.
Tại vùng Lombardy ở miền Bắc Italy, ngày 20/10, chính quyền thông báo đang chuẩn bị áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, biện pháp được xem là nghiêm ngặt nhất để hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, lệnh giới nghiêm, kéo dài từ 23 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, sẽ được thực thi đến hết ngày 13/11.
Italy đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 16/10, mức cao chưa từng có kể từ khi dịch xuất hiện, và Lombardy là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại quốc gia Nam Âu này. Cho đến nay, đã có tổng cộng 36.000 ca tử vong do COVID-19 tại Italy.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Anh, giới chức sân bay Heathrow tại London cho biết sẽ bắt đầu xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 cho hành khách trước mỗi chuyến bay và thông báo kết quả sau một giờ.
Chi phí cho một lần xét nghiệm bằng dịch họng LAMP, không phải thực hiện trong phòng thí nghiệm, sẽ là khoảng 102 USD/người và sẽ được thực hiện với hành khách bay tới Italy và Hong Kong (Trung Quốc). Trước khi đến sân bay, tất cả hành khách đều phải đăng ký online trước để được xét nghiệm.
Trước đó, ngày 19/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có những tác động và ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cuộc sống của những người di cư.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu khai mạc Hội nghị thưởng đỉnh về hội nhập của Chính phủ Đức ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel nhận định đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân, mọi tầng lớp ở những mức độ khác nhau.
Bà Merkel cũng đặc biệt nhấn mạnh tới sự quan tâm của chính phủ đối với những người di cư hiện đang sinh sống tại nước này trong bối cảnh lo ngại châu Âu đang bị ảnh hưởng làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai.
Bà Merkel khẳng định bên cạnh việc luôn chú ý bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân, Chính phủ Đức cũng luôn cảnh giác để đảm bảo sự gắn kết bền chặt trong những thời điểm khó khăn như hiện nay.
Cũng trong phát biểu của mình, Thủ tướng Merkel cũng đề cập đến những khó khăn mà người di cư tại Đức đang phải đối mặt như một số khóa đào tạo và học ngôn ngữ cho người nhập cư bị hủy bỏ.
Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế hiện nay cũng đang tác động không nhỏ tới những lĩnh vực mà nhiều người di cư đang làm việc. Điều này cũng đồng nghĩa công việc của họ trở nên bấp bênh hơn và đặc biệt những người này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
Hội nghị thượng đỉnh về hội nhập lần này được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của hơn 100 quan chức chính phủ liên bang cũng như chính quyền nhiều địa phương và khu vực cùng khoảng 40 hiệp hội bảo về quyền lợi cho người di cư./.