Nhiều nước muốn Mỹ nối lại chương trình Ưu đãi Thuế quan Phổ cập

Liên minh 27 nước, trong đó có Pakistan, Thái Lan và Philippines, mới đây gửi thư bày tỏ hy vọng trong nhiệm kỳ khóa 118 của Quốc hội Mỹ, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ thông qua dự luật khôi phục lại GSP.
Nhiều nước muốn Mỹ nối lại chương trình Ưu đãi Thuế quan Phổ cập ảnh 1Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một liên minh gồm 27 quốc gia và vùng lãnh thổ mới đây đã gửi thư kêu gọi Quốc hội Mỹ ủng hộ một dự luật nhằm nối lại chương trình Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) cho các nước đang phát triển và chậm phát triển nhất.

Bức thư do đại sứ và đại diện ngoại giao của 27 nước và vùng lãnh thổ trong liên minh (trong đó có Argentina, Brazil, Pakistan, Thái Lan, Philippines) ký đã được gửi tới các nghị sỹ trong các ủy ban lập pháp hàng đầu của Mỹ gồm Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Ủy ban Quan hệ đối ngoại Hạ viện, Ủy ban Tài chính Thượng viện và Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện.

Thư nêu rõ trong nhiệm kỳ khóa 118 của Quốc hội Mỹ, các nước hy vọng lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ thông qua dự luật khôi phục lại GSP. Theo liên minh này, GSP là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự thương mại của các nước thành viên và đã đóng góp nhiều cho các nền kinh tế này trong nhiều năm qua.

Đây cũng là công cụ thương mại giúp hàng nghìn công ty Mỹ đa dạng hóa các nguồn cung và đảm bảo sự ổn định kinh tế.

[Mỹ đình chỉ ưu đãi thương mại GSP với hơn 500 mặt hàng của Thái Lan]

Đại sứ Pakistan tại Mỹ Masood Khan cho biết việc gia hạn chương trình GSP đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nước đang phát triển tiếp cận thị trường Mỹ.

Điều này sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho các nước liên quan, mà còn thúc đẩy kinh tế và doanh nghiệp Mỹ phát triển, thông qua nhập khẩu các sản phẩm như nguyên liệu thô và duy trì lợi thế cạnh tranh.

Đại sứ Khan nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, gây thiếu hụt năng lượng và thực phẩm, kéo theo lạm phát leo thang. Việc gia hạn GSP sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đồng thời giảm bớt tác động của các thách thức hiện nay.

Chương trình GSP là một phần của Đạo luật Thương mại năm 1974, có hiệu lực vào ngày 1/1/1976. Chương trình này đã cho phép 5.000 mặt hàng từ 119 nước đang phát triển và 44 nước kém phát triển nhất tiếp cận thị trường Mỹ mà không phải chịu thuế. GSP đã hết hiệu lực từ ngày 1/12/2020.

Trước đây, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua các đề xuất về việc khôi phục lại GSP nhưng các tiêu chí giữa hai cơ quan lập pháp này lại có sự khác biệt. Thời gian gần đây, một số nghị sỹ Mỹ đề cập việc nối lại GSP nhưng cho rằng lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ cần thảo luận để tìm ra điểm chung trong vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục