Một nhóm các nước, thành phố và công ty ngày 10/11 cam kết loại bỏ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến năm 2040, hòa chung vào nỗ lực cắt giảm khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính và hạn chế sự nóng lên trên toàn cầu.
Tuy nhiên, hai hãng sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, gồm có Toyota Motor Corp và Volkswagen AG, cùng với các thị trường ôtô lớn như Trung Quốc, Mỹ và Đức, không ký kết cam kết trên. Điều này cho thấy những thách thức đối với nỗ lực chuyển sang không phát khí thải.
Tuyên bố Glasgow về Không phát thải cho ôtô và xe tải, được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Vương quốc Anh, cho thấy các nhóm cam kết sẽ “nhanh chóng” chuyển đổi sang các phương tiện phát thải carbon thấp, nhằm hướng tới thị trường xanh vào năm 2035.
Các đại diện tiêu biểu tham gia ký kết tuyên bố trên gồm có Ford và General Motors, Ấn Độ và công ty cho thuê ôtô hàng đầu thế giới Leaseplan. Công ty Leaseplan cho thuê 1,7 triệu chiếc ôtô tại 30 quốc gia.
Trong khi đó, hãng sản xuất ôtô lớn thứ tư thế giới Stellantis cùng với nhiều hãng khác, gồm có Honda Motor Co Ltd và Nissan Motor Co Ltd của Nhật Bản, BMW của Đức và Hyundai Motor Co của Hàn Quốc, không đưa ra cam kết về việc cắt giảm phát thải carbon bằng 0.
[20 quốc gia cam kết chấm dứt tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch]
Giám đốc điều hành tổ chức Hòa bình xanh tại Đức Martin Kaiser cho rằng việc vắng mặt của những nền kinh tế hàng đầu thế giới và các hãng sản xuất lớn là “điều đáng lo ngại.” Ông nhấn mạnh việc chấm dứt sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa với chuyển từ xe động cơ đốt trong sang xe điện và không chậm trễ trong việc tạo ra mạng lưới phương tiện công cộng sạch.
Người phát ngôn của Bộ Môi trường Đức cho hay chính phủ không ký thỏa thuận ngày 10/11 bởi chưa đạt được sự đồng thuận nội bộ về “những khía cạnh bên lề” của cam kết liên quan đến việc nguồn nhiên liệu tái tạo sử dụng trong các động cơ đốt trong có phải là một phần của giải pháp xanh.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng ôtô, xe tải, tàu thủy và máy bay "đóng góp" 1/4 tổng lượng khí thải carbon trên toàn cầu, với phần lớn khí thải đến từ các phương tiện giao thông đường bộ.
Các hãng ôtô tham gia ký kết Tuyên bố Glasgow gồm có Volvo (Thụy Điển), Ford và General Motor (đều của Mỹ) và Mercedes-Benz của Daimler AG (Đức), BYD (Trung Quốc) và Jaguar Land Rover - một thương hiệu thuộc hãng Tata Motors (Ấn Độ). Đáng chú ý, Volvo đã cam kết chuyển hoàn toàn sang động cơ điện vào năm 2030.
Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng cho biết vừa có thêm bốn quốc gia, trong đó có New Zealand và Ba Lan, sẽ “gia nhập” cùng các các nước đã cam kết đảm bảo đưa mức phát thải của tất cả xe lưu thông trên đường về bằng 0, muộn nhất vào năm 2040.
Trong khi đó, các công ty, trong đó có nhà bán lẻ thực phẩm Sainsbury’s (Anh), hãng gọi xe Uber và các thành phố trên khắp thế giới như Seoul (Hàn Quốc) và Sao Paolo (Brazil) cũng sẽ đưa ra tuyên bố chung về nỗ lực “xanh hóa” các phương tiện giao thông./.