Nhiều thách thức trong quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN

Theo một số báo cáo, các nước ASEAN đã hoàn thành tới 92% quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế (AEC) và 82% quá trình xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC).
Nhiều thách thức trong quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN ảnh 1(Nguồn: AP)

Theo kế hoạch, Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm nay. Có thể nói Cộng đồng ASEAN là đại diện cho mô hình cao nhất của hợp tác khu vực giữa 10 quốc gia thành viên, và là bước đột phá quan trọng trong nhiều thập kỷ qua với vai trò của ASEAN là thúc đẩy tích cực quan hệ nội khối. Tuy nhiên, không ít dự án xây dựng vẫn còn dang dở và cần hoàn thiện, trong khi khó khăn và thách thức vẫn còn nhiều.

Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC). Ban đầu ASEAN dùng tên gọi Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) trong các văn kiện như Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II, Chương trình Hành động Vientiane (VAP) và Kế hoạch Hành động Xây dựng (ASC).

Tuy nhiên, sau khi Hiến chương ASEAN được xây dựng vào năm 2007, ASC mang tên gọi mới là Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC), để phản ánh đúng tính chất của trụ cột này là hợp tác giữa các nước ASEAN về mặt chính trị và an ninh.

Theo một số báo cáo, các nước ASEAN đã hoàn thành tới 92% quá trình xây dựng AEC và 82% quá trình xây dựng ASCC. Trong khi đó, đối với APSC, các nước mới chỉ hoàn thành khoảng 12% khối lượng công việc. Rõ ràng, khía cạnh chính trị và an ninh đang là rào cản không nhỏ đối với tiến trình xây dựng một cộng đồng được kỳ vọng là sẽ gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội.

ASEAN đã và đang đóng vai trò nổi bật trong một thế giới không ngừng biến động bằng việc thúc đẩy ổn định trong khu vực, ngăn chặn xung đột giữa các nước thành viên và nâng cao hợp tác kinh tế. Mặc dù vậy, việc ASEAN chưa thể giải quyết triệt để những vấn đề nhức nhối, nhất là về chính trị và an ninh trong khu vực chủ yếu là do sự thiếu vắng một chương trình nghị sự cụ thể và thực tế.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất ở Đông Nam Á và dần trở thành nguồn cung cấp chính vốn đầu tư. Sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa là cơ hội, vừa là thách thức không nhỏ đối với các mục tiêu của ASEAN.

Hơn thế nữa, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung cũng là một nhân tố cần được tính đến trên con đường mà ASEAN đang theo đuổi. Ngoài ra, một số quốc gia thành viên ASEAN dường như đang bước vào giai đoạn bất ổn định về chính trị. Điều này có thể thấy qua tình hình ở Thái Lan. Cuộc đảo chính tháng 5/2014 đã làm trệch hướng sự phát triển dân chủ tại quốc gia này, gián tiếp tác động tiêu cực tới hình ảnh và uy tín của APSC.

Khác biệt và mâu thuẫn về mặt lịch sử, văn hóa cũng tạo ra không ít thách thức trong quá trình hội nhập. Các lợi ích đan xen nhiều khi là yếu tố tích cực khi các bên muốn hướng tới mục tiêu chung, song sẽ là trở lực không nhỏ khi cạnh tranh bùng phát.

Trong số các trụ cột giúp hình thành nên Cộng đồng ASEAN, có thể nói quan trọng nhất là trụ cột về kinh tế. Việc hội nhập sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế giữa các nước trong khu vực. ASEAN có một thị trường tiềm năng to lớn và việc hiện thực hóa AEC sẽ biến khu vực này trở thành trị trường lớn thứ ba trên thế giới, với dân số lớn thứ ba toàn cầu (chiếm 8% tổng dân số thế giới), chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. AEC được hy vọng sẽ góp phần tạo ra một dòng chảy hàng hóa tự do, vốn đầu tư và lao động có tay nghề cao trong khu vực.

Sự hình thành AEC sẽ tạo cơ hội cho các nước thành viên ASEAN mở rộng quy mô nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng sức hút với các nhà đầu tư và khách du lịch, giảm chi phí giao dịch-thương mại, đồng thời cải thiện điều kiện kinh doanh. Việc thành lập AEC cũng sẽ tăng khả năng tiếp cận thị trường nội khối ASEAN, tăng cường tính minh bạch và hỗ trợ các nước thành viên cải thiện quy định trong nước theo tiêu chuẩn chung.

Liên kết chặt chẽ về mặt kinh tế giữa các nước ASEAN sẽ tạo đà cho việc vượt qua những bất đồng về an ninh-chính trị, hay giúp giảm thiểu căng thẳng liên quan tới lịch sử hay những khó khăn kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, thúc đẩy hợp tác về văn hóa vừa đem lại điều kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế, vừa tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về chính trị. Có thể nói, hợp tác trong các lĩnh vực này sẽ giúp tạo ra thêm những kênh quan hệ mới, từ đó tạo nền tảng giúp tìm ra lời giải cho nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị và an ninh quốc phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục