Trận mưa lớn nhất từ đầu mùa mưa năm nay kéo dài từ lúc 20 giờ 10 ngày 21/9 sang đến sáng 22/9, đã khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội bị ngập sâu, một số tuyến đường bị cấm lưu thông, giao thông ùn tắc cục bộ.
Theo báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội, mưa tập trung tại khu vực các quận Long Biên, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm với lượng mưa đến hơn 100mm.
Tổng lượng mưa đến 5 giờ ngày 22/9, tại các khu vực như Vân Hồ là 171mm; Xuân Đỉnh 58,1mm; Cầu Giấy 79,3mm; Nam Từ Liêm 94,5mm; Long Biên 207mm; Yên Sở 163,4mm; Thanh Liệt 106mm; Hồ Tây 71,5mm; Trúc Bạch 108,6mm; Hoàn Kiếm 122mm; Hầm chui Trung tâm Hội nghị Quốc gia là 96,8; huyện Đông Anh 51,3mm.
Địa bàn quận Long Biên là trọng điểm mưa với lượng mưa lên tới 200 mm. Nhiều tuyến đường như Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, vòng xuyến ngã tư Cổ Linh (đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, bờ Bắc), Nguyễn Văn Linh (trước số nhà 270) bị ngập sâu 0,4-0,5 m.
Tại đường Cổ Linh ngập sâu nửa mét với chiều dài chừng 1 km. Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội đã phải chặn hai đầu đường, không cho xe cộ lưu thông. Các phương tiện buộc phải đi vòng đường đê Long Biên-Bát Tràng để sang trung tâm Hà Nội, khiến con đường này ùn tắc.
Trên đường Định Công (Hoàng Mai) cũng xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài do úng ngập, giao thông hỗn loạn, các phương tiện tranh nhau vượt lên trên, đường hai chiều thành đường một chiều khiến tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng.
Theo số liệu báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, tại thời điểm 5 giờ ngày 22/9, trên địa bàn đã xuất hiện các vị trị úng ngập như Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trường, Hoa Bằng với mức độ 0,1m và đã rút hết nước sau 15 phút. Khu vực quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa có lượng mưa trung bình 100mm nhưng tại thời điểm này không có điểm úng ngập.
Với lượng mưa dồn dập (Long Biên 207mm, Vân Hồ 171mm), nước trên sông Nhuệ dâng cao (4.45m) dẫn đến mực nước trên toàn hệ thống cao, nên các vị trí Chân cầu Vĩnh Tuy, Mạc Thị Bưởi, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Thanh Đàm, vành đai ba (ngã ba Khuyến Lương), Lĩnh Nam, Định Công, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng ngập với 0,2-0,4m; các vị trí Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, vòng xuyến ngã tư Cổ Linh (đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, bờ Bắc), Nguyễn Văn Linh (trước số nhà 270) xảy ra ngập với mức độ 0,4-0,5m.
Mưa to dồn dập, nước ngập gây xáo trộn sinh hoạt của người dân. Nhiều khu vực trũng, nước tràn vào nhà, người dân phải sơ tán đồ đạc tránh ngập cả đêm. Trên đường Trần Quang Khải một cây xanh bị đổ đè bẹp một xe ôtô 7 chỗ.
Ngay từ khi xảy ra mưa, Công ty Thoát nước Hà Nội đã huy động cán bộ công nhân viên thực hiện ứng trực trên địa bàn thành phố theo kế hoạch phòng chống thiên tai, vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường. Các dàn thiết bị cơ giới hỗ trợ nạo vét, thông tắc tại các vị trí đã được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hòa nước.
Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành 100% công suất để hạ mực nước trên hệ thống. Hiện nay, tại Hà Nội vẫn đang có mưa, công ty tiếp tục triển khai phương án ứng trực theo kế hoạch phòng chống thiên tai và vận hành trạm bơm Yên Sở, các trạm bơm cục bộ khác để hạ mực nước trên hệ thống về cao trình theo kế hoạch được duyệt để chủ động đối phó với đợt mưa tiếp theo.
Trước đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày 22/9, Bắc bộ có mưa vừa đến mưa rất to trên diện rộng. Cảnh báo, rãnh áp thấp vẫn đang tiếp tục bị nén bởi một bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc nên trong đêm 21/9 và ngày 22/9, ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh./.