Nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đảng

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, hầu hết ý kiến đều đánh giá cao việc Trung ương lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo các văn kiện của Đảng.
Việc công bố và lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (từ 15/9-31/10) là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Nhân kết thúc đợt lấy ý kiến đóng góp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả thực hiện.

- Xin ông cho biết đánh giá về kết quả thực hiện đợt lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI?


- Ông Nguyễn Thế Kỷ: Từ ngày 15/9/2010, các cơ quan báo chí trong cả nước đăng, phát 3 Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) tại Đại hội XI của Đảng và tiếp nhận ý kiến đóng góp của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện trên.

Qua báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tập hợp được 690 lượt ý kiến, trong đó có ý kiến của nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, chuyên gia thuộc các lĩnh vực; trí thức trong nước và một số trí thức Việt kiều, các tầng lớp nhân dân.

Các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhận được 243 thư và 11 bản tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức và nhân dân gửi về.

Hầu hết ý kiến đánh giá cao việc Trung ương công bố dự thảo các văn kiện và lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Điều đó chứng tỏ Trung ương quan tâm đến kiến nghị tâm huyết của nhân dân; thực sự mong muốn văn kiện Đại hội là kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Hầu hết đều khẳng định sự cần thiết của tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng của các cá nhân, tổ chức, cán bộ, đảng viên và mọi người dân trong quá trình tham gia công việc quan trọng này.

Góp ý dự thảo các văn kiện, có ý kiến góp ý trực tiếp vào một hoặc cả 3 dự thảo văn kiện, có ý kiến góp ý chung hoặc các vấn đề về Đảng nói riêng và hệ thống chính trị nói chung.

Góp ý vào dự thảo Cương lĩnh, các ý kiến tập trung vào các nội dung: đặc trưng chủ nghĩa xã hội; mục tiêu và phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; tính chất thời đại; dân chủ trong Đảng và trong xã hội; Đảng Cộng sản Việt Nam và công tác xây dựng đảng; công tác cán bộ; xác định khâu đột phá; nền tảng tư tưởng của Đảng...

Với dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các ý kiến đi sâu đánh giá thành tựu, hạn chế; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thực hiện Chiến lược 2001 - 2010; quan điểm phát triển; vai trò, vị trí các thành phần kinh tế; nhận thức về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước...

Góp ý vào dự thảo Báo cáo Chính trị, các ý kiến tập trung vào đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; tình hình trong nước, quốc tế; nhận thức về “nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020”; các chỉ tiêu kinh tế-xã hội; vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc...

Nhiều ý kiến đồng thuận, đánh giá cao chất lượng dự thảo văn kiện; khẳng định so Cương lĩnh 1991 và các văn kiện Đại hội X, các dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng có bước phát triển mới về lý luận, phản ánh khách quan thực tiễn, tình hình trong nước và thế giới; tính chất thời đại; đề ra những định hướng vừa khái quát, vừa cụ thể cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...

Hầu hết ý kiến, bên cạnh sự đồng tình cơ bản, đã phân tích nhiều nội dung cần quan tâm liên quan trong các dự thảo; đồng thời, kiến nghị Đảng điều chỉnh, bổ sung, làm rõ một số nội dung để văn kiện Đại hội XI thực sự đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tính đến ngày 29/10/2010, qua “kênh” của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban nhận được 254 thư và bản tổng hợp góp ý của các tổ chức và nhân dân gửi về Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng..., trong đó có thư của một số đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, các cán bộ lão thành.

Hầu hết các thư góp ý kiến đều được thể hiện công phu, có địa chỉ rõ ràng; thư đánh máy dài nhất là 75 trang A4, đóng thành quyển. Một số thư viết tay, gửi bản chính, hoặc bản phôtô; thư viết tay dài nhất là 283 trang A4, đóng bìa.

Hầu hết các thư góp ý kiến đều bày tỏ sự tâm huyết đối với Đảng, thể hiện sự chân thành, trăn trở đối với thực tiễn của đất nước, của địa phương, đơn vị và mong được đóng góp trí tuệ, ý chí, tâm huyết vì sự phát triển của đất nước.

Ví dụ, trong thư của mình, ông Trịnh Hướng (phường 4, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) viết: “Đây là tấm lòng thành của tôi đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, với Đảng, ngoài ra không có mục đích gì khác.”

Hầu hết ý kiến tập trung góp ý làm rõ thêm một số quan điểm, những ưu điểm, thành tựu, những hạn chế, khuyết điểm của Đảng, của đất nước; góp ý bổ sung, sửa đổi một số từ, cụm từ, một số đoạn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Cũng có ý kiến góp ý về vấn đề của địa phương, đơn vị, những bức xúc của cá nhân không liên quan tới dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Đa số ý kiến góp ý cơ bản nhất trí với dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XI của Đảng; cho rằng các dự thảo Văn kiện nhìn chung được chuẩn bị công phu, bố cục hợp lý, nội dung toàn diện, xác định rõ quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu lớn, các đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Những quan điểm, định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng đã có sự gắn kết, thống nhất với nhau.

Việc lấy ý kiến của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng là một bước tiến về dân chủ của Đảng. Thời hạn lấy ý kiến kéo dài hơn dự kiến, điều này thể hiện Đảng tin tưởng, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Có thể nói rằng, ý kiến đóng góp qua báo chí, thư rất trách nhiệm, tâm huyết, rất công phu. Các ý kiến không chỉ là suy nghĩ mà qua tiếp cận dự thảo các văn kiện đã có sự đào sâu, trăn trở, băn khoăn, đi thẳng vào những vấn đề, có những phát hiện, kiến nghị xác đáng. Có ý kiến rất gai góc nhưng đằng sau sự gai góc đó là cả một tấm lòng, rất tâm huyết. Điều này thể hiện cán bộ, đảng viên, nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài rất quan tâm, trăn trở với sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Các ý kiến đóng góp bày tỏ mong muốn qua đợt góp ý này, Tiểu ban văn kiện, bộ phận tập hợp ý kiến tiếp thu những nội dung mà dự thảo các văn kiện chưa nêu được, những kiến nghị xác đáng để hoàn chỉnh văn kiện. Công việc của toàn Đảng cũng là công việc của toàn dân, của cả dân tộc, mong muốn, ý chí của Đảng cũng là ý chí, mong muốn của người dân trong nước và nước ngoài. Đây là điều rất đáng mừng, rất đáng trân trọng.

Nhìn chung, không khí góp ý kiến rất sôi nổi, trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

- Thưa ông, các ý kiến đóng góp vào Dự thảo các văn kiện sẽ được tiếp thu, xử lý như thế nào?

- Ông Nguyễn Thế Kỷ: Việc tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI nhằm tập trung trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước; giúp Trung ương Đảng nắm được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và nâng cao chất lượng các văn kiện trình Đại hội.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hai bộ phận tập hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Những góp ý qua thư của cán bộ đảng viên, nhân dân và một số tổ chức, được chắt lọc cô đọng, tuy nhiên, phải thể hiện cho được nội dung cốt lõi, nguyện vọng tha thiết, ý kiến bổ ích, thẳng thắn, trách nhiệm.

Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu những ý kiến đã nêu để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo văn kiện. Tôi tin là trong Hội nghị Trung ương tới đây, Ban Chấp hành Trung ương sẽ có báo cáo quá trình tiếp thu các ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện của cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, của đồng bào ta ở nước ngoài.

Những ý kiến đó sẽ được tiếp thu nghiêm túc với quan điểm khách quan, trung thực, trân trọng từng ý kiến đóng góp đối với Đại hội Đảng để dự thảo các văn kiện trình Đại hội sẽ trí tuệ hơn, sắc sảo hơn, đổi mới hơn, giúp Đại hội có tầm nhìn, có đánh giá sắc sảo hơn khi quyết định những vấn đề đi lên của đất nước.

- Trân trọng cảm ơn ông./.


Hương Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục