Nhìn lại năm 2023: Điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ

Ngoại giao kinh tế, hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư song phương là điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, ở thời điểm hiện nay và trong cả tương lai.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ lãnh đạo VASEP và đại diện các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thủy hải sản Bắc Mỹ 2023. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)
Đại sứ Đặng Hoàng Giang (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ lãnh đạo VASEP và đại diện các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thủy hải sản Bắc Mỹ 2023. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)

Năm 2023 tiếp tục là năm sôi động, chứng kiến nhiều chuyển động và điểm nhấn ấn tượng trong hoạt động ngoại giao kinh tế nói chung, cũng như hoạt động thương mại-đầu tư song phương Việt Nam-Mỹ nói riêng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York (Mỹ), cho biết quán triệt và thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, hoạt động ngoại giao kinh tế và xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện trong năm 2023, với nhiều bước đột phá, tạo chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Có thể nói 2023 là năm mà các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư sôi động nhất kể từ khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 từ giữa năm 2022.

Nhiều hội chợ quốc tế lớn tại Mỹ đã thu hút trở lại các doanh nhân quốc tế (trong đó có Việt Nam) đến tham dự. Đơn cử như Hội chợ Quốc tế Thủy sản Boston được tổ chức tháng 3 vừa qua.

Đây là một trong những hội chợ thủy sản lớn nhất thế giới, thu hút gần 20 doanh nghiệp Việt Nam tham dự.

Hay như Hội chợ Magic Show diễn ra tại Las Vegas (bang Nevada) cũng thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam; Hội chợ quốc tế High Point có trên 100 năm tuổi chuyên về đồ gỗ cũng đã thu hút gần 20 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hàng đầu của Việt Nam...

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ, cán cân thặng dư thương mại của Việt Nam đứng thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico, đạt 86,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 94,5 tỷ USD, hướng đến mốc xuất khẩu cũng như thặng dư thương mại đạt trên 100 tỷ USD năm thứ hai liên tiếp.

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại song phương, các doanh nghiệp hai bên đang tiếp tục duy trì quan hệ thương mại, cải thiện lòng tin, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh và khôi phục các chuỗi cung ứng sau hơn 2 năm bị ngắt quãng do dịch bệnh.

viet-my-2712-3535.jpg
Các gian hàng của Việt Nam tại hội chợ Magic Show diễn ra tại Las Vegas. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cùng với việc Việt Nam-Mỹ nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước cũng được hưởng lợi, tạo đà và thế phát triển mới, nhiều dư địa hợp tác được khai thác hiệu quả hơn.

Theo số liệu thống kê chính thức, Mỹ có hơn 1.200 dự án đang đầu tư tại Việt Nam với số vốn lên tới 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trên tổng số 142 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu chậm lại, nhưng trong 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Mỹ ước đạt 100,62 tỷ USD.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho hợp tác đầu tư và thương mại của cả hai bên.

Có thể thấy, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất chip, sản phẩm công nghệ cao, hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo...

Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư của hai nước thời gian tới sẽ tập trung vào hướng thu hút các ngành về công nghệ cao, phát triển bền vững. Việt Nam đã bước đầu nắm bắt các cơ hội mới để thu hút đầu tư chất lượng cao như lĩnh vực bán dẫn - một trọng tâm theo nghị quyết của chính phủ, đang rất có triển vọng với việc nhiều doanh nghiệp hàng đầu về bán dẫn như NVIDIA, Marvell, Amkor-USA... đã quyết định đầu tư, hợp tác với Việt Nam. Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách 7 nước được hỗ trợ từ Quỹ Sáng tạo và An ninh công nghệ quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn.

Mỹ là thị trường hấp dẫn và cũng thuộc diện khó tính nhất thế giới, song ngày càng nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam “chinh phục” nền kinh tế số 1 thế giới.

Trưởng Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York nhận định, với quy mô dân số hơn 330 triệu người, sức mua lớn, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, thị trường tiêu thụ luôn có xu hướng tăng cả về giá cũng như quy mô; môi trường chính sách, quan hệ Việt Nam-Mỹ đang có nhiều thuận lợi, tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác có hiệu quả thị trường này.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo để duy trì thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường...

Đây là xu hướng tất yếu của các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... đang đòi hỏi và yêu cầu từ các nước xuất khẩu.

Trong năm 2023, Việt Nam cũng đối mặt với 58 vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt là vụ kiện gần đây liên quan đến việc trợ cấp sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.

Thực tế này nhắc nhở các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không được chủ quan và thỏa mãn với kết quả đã đạt được nếu muốn có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Mỹ.

Với kết quả hợp tác, đầu tư của năm 2023, cùng với xu thế phát triển của quan hệ Việt Nam-Mỹ, ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ lạc quan về triển vọng hợp tác thương mại đầu tư song phương trong năm 2024.

Theo ông, việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là tiền đề để cả hai quốc gia mở rộng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Trong đó, Việt Nam sẽ là thị trường hứa hẹn để các công ty về công nghệ cao của Mỹ đầu tư và thiết lập nhà máy sản xuất, đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Ngược lại, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói ngoại giao kinh tế, hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư song phương là điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, ở thời điểm hiện nay và trong cả tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục