Nhìn lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 của Việt Nam

Đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã khẳng định và có đóng góp tích cực và trách nhiệm trong sự phát triển chung của khu vực và thế giới.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Trần Sỹ Thanh chủ trì tại Đại hội của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 15. (Ảnh: Vietnam+)
Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Trần Sỹ Thanh chủ trì tại Đại hội của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 15. (Ảnh: Vietnam+)

Với vai trò là Chủ tịch ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã dẫn dắt và định hướng phát triển của tổ chức, trong giai đoạn 2018-2021.

“Trong nhiệm kỳ của mình, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh sứ mệnh hàng đầu của ASOSAI là đào tạo, trao đổi học hỏi giữa các SAI thành viên mang tính chuyên sâu, đổi mới và thích ứng kịp thời với sự phát triển và thay đổi liên tục của môi trường quản lý tài chính công.”

Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh chia sẻ như vậy tại Đại hội của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 15, được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của 47 Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên và một số tổ chức quốc tế quan sát viên.

[Đại hội ASOSAI lần thứ 15: Kịp thời ứng phó với khủng hoảng COVID-19]

Tại Đại hội, các SAI cùng tổng kết các hoạt động của ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021 và đánh giá những kết quả đạt được của việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội và thống nhất thông qua những nội dung nghị sự quan trọng của tổ chức trong giai đoạn 2021-2024 (gồm Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2022-2027 và Tuyên bố BangKok kết nối và kế thừa những giá trị của Tuyên bố Hà Nội).

Trở thành nhóm làm việc khu vực kiểu mẫu của INTOSAI

Theo Tổng kiểm toán Nhà nước, ngay sau khi Tuyên bố Hà Nội - một trong những văn kiện quan trọng được Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đề xuất tại Đại hội ASOSAI 14 chính thức được thông qua (tại Cuộc họp Ban điều hành lần thứ 54), SAI Việt Nam đã chủ động phối hợp với Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc (Tổng thư ký ASOSAI) và các thành viên thúc đẩy thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2016-2021. Kế hoạch bao gồm ba mục tiêu chiến lược: Hỗ trợ phát triển năng lực của SAI thành viên; Tăng cường chia sẻ kiến thức giữa các SAI thành viên; Trở thành Nhóm làm việc khu vực kiểu mẫu của INTOSAI (Tổ chức Quốc tế Các cơ quan Kiểm toán Tối cao).

Hiện tại, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực (Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản) và các Ủy ban, Nhóm công tác của ASOSAI tăng cường chia sẻ kiến thức và các thông lệ tốt, mang tính phổ quát, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trên cương vị Chủ tịch ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chủ động tìm kiếm, trao đổi với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy chất lượng việc thực hiện các hoạt động của ASOSAI, trong đó chú trọng hình thức hỗ trợ phát triển năng lực của SAI thành viên toàn diện. Do vậy, ASOSAI khuyến khích việc thực hiện các cuộc kiểm toán hợp tác ở cấp khu vực.

Nhìn lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 của Việt Nam ảnh 1Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung báo cáo về việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội (Ảnh: Vietnam+)

Với nỗ lực thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội đồng thời nhận thức sâu sắc tình trạng nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và chất lượng nguồn nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu vực sông Mê Công nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam nói riêng, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, trình Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chủ trương cho phép Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác với chủ đề Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước Thái Lan, Kiểm toán Nhà nước Myanmar.

Theo báo cáo từ các SAI, đến nay ba cơ quan Kiểm toán Nhà nước các nước Việt Nam-Thái Lan-Myanmar đã hoàn thành báo cáo kiểm toán của từng quốc gia và phối hợp tổng hợp các kinh nghiệm rút ra của cuộc kiểm toán hợp tác để chia sẻ với các SAI tại Đại hội ASOSAI 15.

Với mục tiêu trở thành Nhóm làm việc khu vực kiểu mẫu của INTOSAI, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến được các SAI thành viên đánh giá cao. Nổi bật là việc thành lập Nhóm công tác mới của ASOSAI về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng nhằm hỗ trợ các SAI sẵn sàng ứng phó với những vấn đề mới nổi và tình trạng khẩn cấp (Nhóm này dự kiến sẽ thông qua tại Đại hội ASOSAI 15).

“Những sáng kiến này là minh chứng cho nỗ lực ASOSAI nói chung và Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nói riêng nhằm xây dựng một tổ chức ASOSAI với những thành viên chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo và sẵn sàng ứng phó với những thách thức, những vấn đề mới nổi trong khu vực và trên thế giới,” Tổng Kiểm toán  Nhà nước cho biết.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tham gia Ủy ban đánh giá Quỹ hỗ trợ các SAI thành viên ASOSAI kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19 và thông qua việc thành lập các Nhóm công tác mới, khởi xướng các Quỹ hỗ trợ thành viên của ASOSAI, cơ cấu tổ chức của ASOSAI ngày càng được hoàn thiện và hỗ trợ hiệu quả cho các SAI thành viên, hướng tới đầy đủ các tiêu chí trở thành Nhóm làm việc khu vực kiểu mẫu của INTOSAI.

Tham gia tích cực và trách nhiệm trong các hoạt động quốc tế

Ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh khi đại diện cho 47 thành viên ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham gia tích cực và trách nhiệm đối với các hoạt động của INTOSAI.

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đại diện ASOSAI tham dự nhiều diễn đàn chuyên môn quốc tế quan trọng (Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán công chứng Anh về chủ đề Khu vực công bền vững tại Cộng hòa Séc; Đại hội INTOSAI lần thứ 23 về chủ đề “Vai trò của các Cơ quan Kiểm toán tối cao trong việc đạt được các mục tiêu và ưu tiên quốc gia” tại Nga; Cuộc họp của Lãnh đạo các Cơ quan Kiểm toán tối cao và các bên liên quan về chủ đề SAI tạo ra sự khác biệt: Kiểm toán việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Hoa Kỳ…)

Tại các diễn đàn quan trọng này, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực thông qua các bài tham luận, đóng góp ý kiến về vai trò của SAI trong việc minh bạch nền tài chính công, nâng cao trách nhiệm giải trình, sử dụng hiệu quả ngân sách quốc gia, tăng cường phòng chống tham nhũng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Nhìn lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 của Việt Nam ảnh 2 Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh bàn giao chức Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 cho Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương quốc Thái Lan Chanathap. Indamra (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam luôn chủ động và khuyến khích các SAI thành viên ASOSAI tham gia có hiệu quả, uy tín và trách nhiệm vào hoạt động các Nhóm công tác và đề án nghiên cứu của INTOSAI (như: Nhóm công tác INTOSAI về Kiểm toán môi trường, Kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng, Kiểm toán công nghệ thông tin và Kiểm toán Dữ liệu lớn…)

“Qua ba năm đảm đương Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, những đóng góp của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam vì sự phát triển chung của cộng đồng ASOSAI được các SAI khu vực và quốc tế ghi nhận, thu hút sự quan tâm của các đối tác phát triển quốc tế, củng cố năng lực, kỹ thuật và chuyên môn nghề nghiệp để giúp ASOSAI trở thành Tổ chức Kiểm toán tối cao chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao năng lực, uy tín của các Cơ quan Kiểm toán tối cao nói chung và Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nói riêng trên các diễn đàn quốc tế,” ông Thanh cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục