Theo atimes.com đưa tin, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Philippines hồi tháng trước, nhiều người đã mong đợi nhà lãnh đạo này thực hiện lời hứa về khoản viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ USD vào quốc gia này.
Mặc dù đã ký kết được một loạt thỏa thuận mới song chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đã không thể hiện thực hóa những cam kết của Trung Quốc hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển kinh tế của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, bao gồm cả kế hoạch đại tu cơ sở hạ tầng “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” được quảng cáo rùm beng.
Cho tới tận bây giờ, bất chấp những tuyên bố lạc quan của ông Duterte, Trung Quốc không phải là “nhà tài trợ” lớn của Philippines về lĩnh vực viện trợ nước ngoài và vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Thay vào đó, tính đến tháng Sáu vừa qua, Trung Quốc chỉ có một dự án cho vay lớn ở Philippines là dự án xây dựng hệ thống tưới tiêu Chico trị giá 62,1 triệu USD.
Theo số liệu của Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia Philippines (NEDA), tính đến tháng Sáu vừa qua, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 8% trên tổng số vốn ODA trị giá khoảng 13 tỷ USD mà Philippines nhận được.
Trong khi đó Nhật Bản chiếm tới 40,3%, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á lần lượt là 20,6% và 17,7%. Trung Quốc cũng đứng sau cả Australia, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Pháp.
Khi Tổng thống Duterte thăm Trung Quốc tháng 10/2016, chính quyền Philippines đã khoe khoang về một khoản viện trợ và đầu tư lớn từ Bắc Kinh, coi đây là minh chứng cho chuyến đi mà ông tự cho là “thành công” của mình.
Khoản đầu tư 24 tỷ USD này được dự kiến phân bổ vào 13 cam kết hợp tác, hỗ trợ tài chính và đầu tư, trong đó 15 tỷ USD là trị giá các hợp đồng thương mại và 9 tỷ USD còn lại là vốn vay ODA.
Những dự án được hai nước lên kế hoạch bao gồm cam kết về một biên bản ghi nhớ trị giá 3 tỷ USD với Tập đoàn Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu MVP và Tập đoàn Tianjin Suli nhằm sản xuất cáp quang chất lượng cao tại Philippines.
[Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc-Philippines thúc đẩy hợp tác trên biển]
Một biên bản ghi nhớ lớn khác với tập đoàn MVP và Tập đoàn Công nghệ Đường sắt Trung Quốc dự kiến sẽ chi khoảng 2,5 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, còn một biên bản ghi nhớ nữa với Tập đoàn Phát triển Năng lượng Xanh và Công ty PowerChina Guizhou nhằm xây dựng một nhà máy năng lượng trị giá 1 tỷ USD.
Tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã thăm thành phố Davao, quê hương của ông Duterte, nhằm tái khẳng định những cam kết của Bắc Kinh về việc hỗ trợ tài chính xây dựng tuyến đường sắt phía Nam, dự kiến tiêu tốn khoảng 4 tỷ USD, ở hòn đảo phía Nam này.
Tháng 11/2017, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Manila và hứa hẹn sẽ cho vay vốn thực hiện hai dự án - dự án xây dựng hệ thống tưới tiêu Chico trị giá 62,1 triệu USD với lãi suất 2% và trong vòng 20 năm, và dự án Đập Kaliwa trị giá 374 triệu USD.
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Manila hồi tháng trước, ông và Tổng thống Duterte đã chính thức hóa và ký kết thêm 29 thỏa thuận mới, bao gồm một biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1.000 tỷ USD của Trung Quốc và thỏa thuận cùng phát triển khí đốt ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, gần như tất cả những khoản ODA và cam kết đầu tư của Trung Quốc giành cho ông Duterte vẫn chưa được cấp vốn.
Và rất nhiều những thỏa thuận được đề xuất, cho dù được hiện thực hóa, chỉ ở mức rất khiêm tốn. Tỷ lệ lãi suất những khoản cho vay của Trung Quốc dành cho Philippines trong các dự án được hai nước lên kế hoạch ở mức 2- 3%/năm, trong khi tỷ lệ lãi suất các khoản ODA của Nhật Bản chỉ ở mức 0,25-0,75%/năm.
Hơn nữa, những điều khoản của 29 thỏa thuận mới được hai bên nhất trí trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Malina hồi tháng trước chưa được công bố, làm dấy lên những chỉ trích về sự thiếu minh bạch xung quanh các thỏa thuận này.
Năm ngoái, NEDA đã cho thông qua giai đoạn đầu tiên của dự án đường sắt Mindanao do Trung Quốc hậu thuẫn trị giá 726 triệu USD. Dự án được dự kiến khởi công vào quý 3 vừa qua, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì vẫn chưa được thực hiện.
Trước đây, những khoản cho vay ODA của Trung Quốc tại Philippines từng gây nhiều tranh cãi. Ví dụ, dự án tuyến đường sắt phía Bắc do Trung Quốc hỗ trợ đã bị chính quyền tiền nhiệm đình chỉ trước khi khoản vay này bị hủy bỏ sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng đây là một thỏa thuận thương mại chứ không phải thỏa thuận giữa hai chính phủ và do đó cần tiến hành đấu giá cạnh tranh.
Chính quyền của cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo từng bị chỉ trích nhiều về dự án hợp tác với Tập đoàn ZTE của Trung Quốc. Dự án này bị hủy bỏ vào năm 2007 do xuất hiện các cáo buộc tham nhũng.
Các khoản vay ODA của Trung Quốc, được thực hiện thông qua Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc, kèm theo điều khoản rằng không dưới 50% tổng các khoản vay phải do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, khiến chi phí tăng lên so với việc sử dụng các nhà thầu địa phương.
Dự án Đập Kaliwa, vốn nhằm cung cấp thêm 600 triệu lít nước mỗi ngày cho Manila và các tỉnh xung quanh và bổ sung thêm cho đập Angat hiện nay - vốn đang cung cấp 4.000 lít nước, sẽ tốn kém hơn khi được thực hiện theo các điều kiện của phía Trung Quốc so với các điều kiện mà Nhật Bản đưa ra.
Tập đoàn Phát triển dich vụ công toàn cầu (GUDC) của Nhật Bản từng đưa ra đề xuất với phía Philippines để hỗ trợ thực hiện dự án Đập Kaliwa.
Theo đề xuất này, công ty Nhật Bản sẽ cung cấp tài chính cho toàn bộ hoạt động xây dựng, vận hành và bảo trì con đập và như vậy Manila không cần thêm các khoản vay nước ngoài nào khác.
Trong khi đó, theo điều kiện mà Trung Quốc đưa ra, các nhà thầu Trung Quốc sẽ thực hiện việc xây dựng, còn hoạt động vận hành và bảo trì sẽ do một công ty địa phương đảm nhiệm. 85% các chi phí xây dựng, không giống như đề xuất từ phía công ty Nhật Bản, sẽ được lấy từ vốn ODA và do đó những người đóng thuế ở Philippines sẽ phải gánh chịu khoản vay này.
Chi phí cho dự án Đập Kaliwa do Trung Quốc thực hiện, bao gồm cả việc xử lý nước thải, sẽ tốn khoản 640 triệu USD, trong khi đề nghị mà công ty Nhật Bản đưa ra chỉ khoảng 410 triệu USD và ít gây hại tới môi trường hơn. Hơn nữa, phía Trung Quốc sẽ mất 5 năm để xây dựng đập này trong khi phía Nhật Bản chỉ mất 4 năm.
Trong bối cảnh đó, các cuộc đàm phán để nhận thêm các khoản vay ODA từ Trung Quốc vẫn đang diễn ra, bao gồm cả Dự án Đường sắt Bắc-Nam và dự án đường sắt Subic-Clark.
Mặc dù ông Duterte luôn đặt mục tiêu “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” để tiến tới “kỷ nguyên vàng của cơ sở hạ tầng,” song không rõ liệu Trung Quốc có phải là nguồn lực tốt nhất và đáng tin cậy nhất hỗ trợ tài chính cho mục tiêu đó hay không./.