NHNN lý giải nghịch lý lãi suất giảm nhanh, tín dụng lại tăng chậm

Thông thường hạ lãi suất thì dư nợ tín dụng phải tăng, thế nhưng thực tế hiện nay đang xảy ra nghịch lý tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh.
NHNN lý giải nghịch lý lãi suất giảm nhanh, tín dụng lại tăng chậm ảnh 1Các hiệp hội doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trao đổi với báo chí về nghịch lý lãi suất liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng lại tăng trưởng thấp tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 4/7, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành từ 0,5-2%.

Tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7-0,8%, lãi vay giảm 1-1,2%. Các ngân hàng thương mại cổ phần vốn Nhà nước đi đầu trong việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng công bố mức giảm rất sâu. Theo Xu hướng chung, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục hạ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Đào MinhTú cho biết thêm dù lãi suất đã giảm song dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14-15%. Đến nay, dư nợ cho vay khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, dư nợ tiền gửi là 12,6 triệu tỷ đồng.

[Phó Thủ tướng: Cần mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn]

“Room tín dụng cả năm đã giao 11% nhưng đến nay mới đạt 4,2% cho thấy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay,” Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Theo ông Đào MinhTú, thông thường hạ lãi suất lẽ ra tín dụng phải tăng nhưng thực tế hiện nay đang xảy ra tình trạng tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng khác thường về tín dụng so với các năm, ông Đào Minh Tú chỉ ra rằng do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, suy giảm; cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp nên cầu tín dụng không thể tăng cao. Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, kể cả doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa sôi động lại, vẫn vướng cả dự án thương mại lẫn nhà ở xã hội dù ngành ngân hàng đã rất quan tâm đẩy mạnh cho tín dụng bất động sản.

Mặc dù đồng tình với ý kiến dư nợ tín dụng còn thấp nhưng Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng nói "ế tiền cho vay" cũng không hẳn mà là tốc độ tín dụng đang tăng trưởng chậm lại, hiện nay một số nước tăng trưởng tín dụng còn âm.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận cũng có tình trạng nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh có trả nợ được không. Ngược lai, nhiều doanh nghiệp thì ngân hàng mời chào vay nhưng không có nhu cầu vay, vì cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng thấp.

Ông Đào Ngọc Tú cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước đây rất khó tiếp cận tín dụng và hiện nay càng khó hơn. Để gỡ khó, các hiệp hội doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với khu vực này.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã ban hành nhiều thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn. Với hàng loạt chính sách đồng bộ, lãi suất tiếp tục giảm sẽ tăng được tín dụng trong 6 tháng cuối năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục